Xây dựng Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non
Sáng 18/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã chủ trì phiên họp lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non.
Chuyên gia ý kiến xây dựng Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non.
Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trường nội trú
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục mầm non (GDMN), thời gian qua mạng lưới cơ sở GDMN phát triển rộng, khắp đến tất cả các xã phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. Hằng năm, có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trên 15.000 trường mầm non và trên 16.000 cơ sở độc lập, tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,3%, tỷ lệ trẻ em ngoài công lập chiếm 23,2%; toàn quốc có 54.1% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Giáo dục mầm non đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, đặc biệt là trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp một; trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao, bảo đảm chuyên cần; việc thực hiện công bằng trong giáo dục từng bước được bảo đảm. Hiện tại, 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trường nội trú.
Các ý kiến đóng góp thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, GDMN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Mạng lưới trường lớp hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu thu nhận trẻ đến lớp. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học còn rất thấp (28,2%) chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; chất lượng Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi ở nhiều nơi chưa đảm bảo. Từ đó, dẫn tới còn khoảng cách đáng kể về GDMN giữa các vùng miền, các điều kiện bảo đảm chất lượng toàn diện cho trẻ sẵn sàng 5 tuổi vào lớp một chưa tương xứng với yêu cầu, mục tiêu mong muốn. Những khó khăn, thách thức cơ bản của GDMN đã được nhận diện.
Cần minh họa cơ sở thực tiễn sát với cơ sở khoa học
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu, cần làm rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo. Nội dung phải chỉ rõ đích hướng tới là GDMN có chất lượng, công bằng, hòa nhập. Phải làm rõ cho xã hội thấy tính hợp lý, thế giới cũng thực hiện. Từ thực tiễn có minh chứng để đưa vào Luật với cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, thuyết phục về sự cần thiết. Cần minh họa cơ sở thực tiễn sát với cơ sở khoa học để thấy được sự cần thiết, tương thích với Chương trình GDMN mới.
Giờ chơi của trẻ Trường mầm non thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Chính sách phải làm rõ cho người học, 5 tuổi thế nào, 3-4 tuổi ra sao, vùng khó khăn có tính đặc thù, phải chỉ ra sự khác biệt, cần thiết của lứa tuổi từ học phí, hỗ trợ công tư…Bên cạnh đó, chính sách đối với người dạy có gì bất cập, được hưởng chính sách thu hút lương, trợ cấp tính trên cơ sở công bằng, phù hợp.
Tại phiên họp, tham luận của đại diện Ngân hàng thế giới và các Vụ, Cục, đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đã làm rõ các nội dung yêu cầu theo chỉ đạo của Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đồng thời đề xuất bổ sung, sửa đổi những nội dung để đảm bảo tính hợp lý của Dự thảo trước khi hoàn thiện. Theo đó, minh chứng tính đặc thù của Nghị quyết, những vấn đề về tài chính thực hiện, nguồn lực, tính hợp lý khi triển khai đều cần phải làm rõ. Dự thảo hoàn thiện phải đảm bảo diễn đạt thoát ý, giải thích những băn khoăn về tính vùng miền, lứa tuổi, hướng đến công bằng, hòa nhập, để sản phẩm cuối cùng thuyết phục, minh chứng được khi triển khai mang tính khả thi cao.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đã đề ra mục tiêu: Hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo. Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển GDMN dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục. Các căn cứ pháp lý khác như Luật Giáo dục; Luật Trẻ em và Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư đều có những yêu cầu cần phải củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ dưới 5 tuổi.
Theo báo Giáo dục &Thời đại