‘Vườn xanh 0 đồng’ tạo môi trường để trẻ phát triển toàn diện

Bằng việc tạo không gian xanh thân thiện, những tiết học hạnh phúc giúp trẻ tăng hứng thú khi tới trường và tham gia nhiều hoạt động bổ ích…

Phụ huynh và trẻ tại Trường Mầm non Đa Sỹ trong một hoạt động trên lớp. Ảnh: NTCC

Cha mẹ cùng cô “lên lớp”

Thành lập và đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Trường Mầm non Đa Sỹ (quận Hà Đông, Hà Nội) vượt qua nhiều khó khăn để dần khẳng định chất lượng giáo dục. Cô Hiệu trưởng Trịnh Thùy Linh cùng đồng nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo và áp dụng nhiều giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả chuyên môn về chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong đó có mô hình “Vườn xanh 0 đồng”, “Tiết học hạnh phúc” có sự tham gia của bố mẹ.

Với mong muốn tận dụng không gian có sẵn của nhà trường để xây dựng mô hình vườn trường cho các bé trải nghiệm, cô Trịnh Thùy Linh đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến các bậc phụ huynh từ đầu năm học. Cô Linh cũng đăng bài trên hội nhóm, kênh truyền thông để xin ủng hộ, phủ xanh ngôi trường mới nhanh nhất.

“Vườn xanh 0 đồng” được phụ huynh ủng hộ cây xanh, nhà trường làm phân hữu cơ từ rác thải nhà bếp bằng cọng rau, vỏ trứng, vỏ dưa hấu, chuối… Nước tưới cây cũng tận dụng nước rửa rau, vo gạo, tráng bình sữa, nước mát từ điều hòa. Nhiều phụ huynh còn ủng hộ thùng sơn làm chậu trồng cây, nhà trường chỉ cần dán đề can bao quanh với hình ảnh, thông điệp bảo vệ môi trường.

“Thùng sơn thay thế chậu sành sứ vừa giảm thiểu đổ vỡ, mà còn thân thiện, hiệu quả, không tốn kém. Trường tận dụng trồng cây trên hành lang tạo ra vườn xanh 0 đồng đa dạng, phong phú loại cây và là nơi để cô trò thư giãn, trải nghiệm, đưa những bài học khám phá từ vườn trường tới trẻ nhỏ”, cô Trịnh Thùy Linh cho hay.

Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng những “tiết học hạnh phúc” bằng việc mời phụ huynh đến học cùng con. Lúc đầu triển khai chỉ ít phụ huynh tham gia vì bận hoặc thấy không cần thiết, sau đó những sự kiện như “Mẹ, người tuyệt vời nhất”, “Sinh nhật các con – Tri ân cha mẹ” thành công thì phụ huynh thấy ý nghĩa và cảm phục các cô giáo. Sau đó, nhiều bố mẹ đã đăng ký tham gia học cùng trẻ.

Cô Đoàn Thị Hương – giáo viên lớp A2 Trường Mầm non Đa Sỹ chia sẻ: “Nhờ sự định hướng, tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, chúng tôi đã áp dụng nhiều hình thức để tạo nên những giờ học hạnh phúc. Tùy chủ đề mỗi tháng, chúng tôi sẽ mời phụ huynh tham gia học, chơi cùng con. Từ đó tổ chức các hoạt động phù hợp với bài dạy. Trong tháng 12/2023, phụ huynh tới lớp cùng cô và các con làm đồ tái chế để giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường; giao lưu cùng các cựu chiến binh”.

Là người tham gia học cùng con trên lớp, chị Đào Mai Loan – phụ huynh lớp A1 đánh giá cao sáng kiến của nhà trường khi tạo cơ hội cho bố mẹ thêm hiểu con được chăm sóc, học tập ra sao; tính chất công việc, giáo viên mầm non vất vả thế nào… Các tiết học không gò ép, tạo sự thoải mái để trẻ được vận động thể chất, học kỹ năng. Có tiết học các cô còn hóa trang giống mẹ để trẻ nhận biết và tạo tiếng cười sảng khoái.

 

Cô Vũ Thị An (trái) và cô Trịnh Thùy Linh. Ảnh: NTCC
Trẻ được vận động mọi lúc mọi nơi
Gần 30 năm gắn bó với nghề, cô Vũ Thị An – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiểu hơn ai hết những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ lứa tuổi mầm non. Cô cùng ban giám hiệu quan tâm chỉ đạo đội ngũ giáo viên tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.
Cô An quan niệm, sức khỏe là nền tảng mọi hoạt động. Học sinh nói chung, trẻ mầm non nói riêng cần được quan tâm để phát triển thể lực. Trong thời đại công nghệ hiện nay, nhiều trẻ thích sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, xem tivi hơn vận động; cộng thêm một số phụ huynh chiều và làm thay con đã vô tình đánh mất cơ hội vận động của trẻ. Là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô An tìm tòi, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho trẻ.
Trong đó, nhà trường tạo cơ hội vận động cho trẻ mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, với quả bóng nhựa, cô dạy trẻ các thao tác: Đá, chuyền, tung, lăn, thổi, đẩy bóng. Với dụng cụ vòng, gậy cũng được sử dụng để tập luyện theo nhiều hình thức khác nhau. Cùng vận động bật nhưng trẻ có thể bật kết hợp đôi bạn, hoặc vừa bật vừa mang vật, vừa di chuyển hoặc bật qua chướng ngại vật…
“Trẻ được tạo hứng thú để tập luyện tăng cường thể lực. Đồng thời, nhà trường hướng dẫn phụ huynh cho trẻ ôn luyện thêm bài tập thể dục trên lớp. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ làm việc vừa sức, tự mang vác đồ dùng cá nhân; tăng cường hoạt động ngoài trời hoặc đi dã ngoại thay vì ngồi xem tivi, điện thoại thông minh. Việc này giúp trẻ tăng cường sức khỏe thể chất, tăng gắn kết gia đình”, cô Vũ Thị An nhấn mạnh.
Cô Vũ Thị An và cô Trịnh Thùy Linh là 2 trong số 41 nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô được tuyên dương, tặng danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VII năm 2023 nhân dịp 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Bằng tài năng và tinh thần trách nhiệm, các cô đã nỗ lực không ngừng để có những đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý chuyên môn gắn kết nhà trường với phụ huynh học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.

9 Tháng Một, 2024 | 17:12