Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thành lập Chương trình hỗ trợ giảng dạy
Ngày 29/8, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw, Ba Lan và các đối tác thuộc Chương trình Erasmus, thành lập Chương trình hỗ trợ giảng dạy, Viện KHGDVN (CTE)
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Dự án “Phát triển các chương trình đào tạo giáo viên theo phương pháp sáng tạo cho các trường Đại học ở Châu Á thế hệ mới”.
Các đại biểu tham dự lễ ra mắt Chương trình hỗ trợ giảng dạy
Chương trình CTE được thành lập với mục tiêu xây dựng cộng đồng trao đổi học thuật dành cho giảng viên, giáo viên, các nhà nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các hoạt động sư phạm. Học viên tham gia Chương trình sẽ được đào tạo, tiếp cận phương pháp giảng dạy, đổi mới, giúp nâng cao năng lực nghề nghiệp, đáp ứng với môi trường giáo dục và xã hội thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Với mục tiêu ngắn hạn, Chương trình phát triển các khóa học hiện đại để nâng cao hiệu quả và năng lực sư phạm sáng tạo và thúc đẩy phát triển chuyên môn của giảng viên; phát triển tài liệu giảng dạy với các phương pháp sáng tạo cho chương trình giảng dạy mới trong chương trình đào tạo giảng viên.
Đồng thời, thực hiện nâng cao năng lực tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục đối tác thông qua đào tạo đội ngũ giảng viên về chương trình và phương pháp mới. Tạo nguồn lực học tập suốt đời thông qua phát triển nền tảng dựa trên công nghệ thông tin – truyền thông để hỗ trợ triển khai chương trình giảng dạy mới cùng các giải pháp bền vững để thúc đẩy sự đổi mới trong thực tiễn sư phạm thông qua việc phát triển Trung tâm giảng dạy tiên tiến.
Viện trưởng Viện KHGDVN Lê Anh Vinh phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi ra mắt Chương trình hỗ trợ giảng dạy, Viện trưởng Viện KHGDVN Lê Anh Vinh cho biết: Điểm độc đáo của Chương trình là sự liên kết giữa các khóa học. Điều này khuyến khích đội ngũ nhà giáo khám phá các môn học từ nhiều góc độ khác nhau. Cách tiếp cận này nuôi dưỡng những nền tảng học tập có ý nghĩa đối với học sinh, khơi dậy đam mê học tập và thúc đẩy thành tích của học sinh. Ngoài ra, chương trình còn là nơi đội ngũ nhà giáo có thể cũng nhau chia sẻ, trao đổi những ý kiến, cách làm, đề xuất về kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy.
Trong tương lai, Chương trình mong muốn với kết quả hình thành một trung tâm giảng dạy tiên tiến với đội ngũ nhân viên được đào tạo của Viện và cơ sở thiết bị phù hợp để cung cấp các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy và học tập, cũng như để thực hành thiết kế chương trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, Chương trình sẽ là nền tảng phát triển các khóa học hiện đại với chương trình giảng dạy để nâng cao hiệu quả và năng lực sư phạm sáng tạo và thúc đẩy phát triển chuyên môn của giảng viên, từ đó khuyến khích phát triển năng lực của chính các trường đại học, các cơ sở giáo dục để đảm bảo sự độc lập và bền vững của tổ chức.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo