Ủy ban Thường vụ Quốc hội gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý GD
Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 20/11, UBTVQH tổ chức gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu là nhà giáo.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi gặp. Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh… Cùng hơn 100 đại biểu là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Chất lượng GD-ĐT không ngừng được nâng cao
Thay mặt toàn ngành Giáo dục, các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi gặp mặt thân tình, ấm áp.
Bộ trưởng bày tỏ, đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên lớn đối các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo; đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Bộ trưởng cho biết, những năm qua, ngành Giáo dục không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đánh giá ngành Giáo dục đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phổ cập giáo dục được duy trì và ngày càng được tăng cường. Chất lượng giáo dục ở các cấp bậc học được quan tâm và từng bước được nâng cao. Hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục diễn ra sâu rộng trên cả nước, ở tất cả các cấp học, bậc học.
“Tinh thần đổi mới giáo dục hiện diện ở hầu hết các nơi. Chất lượng GD-ĐT các cấp học, bậc học không ngừng được nâng cao” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, đối với giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực người học và đã đạt được nhiều kết quả tích cực của chu trình triển khai 5 năm đầu. Theo đó, chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục đại trà ngày càng gia tăng. Tự chủ đại học đang được triển khai sâu rộng với những chuyển biến tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.
Theo Bộ trưởng, những thành quả trên có được nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh…, trong đó có sự nỗ lực lớn của toàn ngành, mà nòng cốt là lực lượng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Người thầy là biểu tượng của tri thức, trí tuệ
Cả nước hiện nay có khoảng 1,6 triệu nhà giáo và xấp xỉ 1 triệu cựu giáo chức ở tất cả các cấp học và loại hình đào tạo. Bộ trưởng khẳng định, về cơ bản trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sử dụng lực lượng giáo viên phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành như tình trạng thiếu giáo viên, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối; dù đã được quan tâm cải thiện song thu nhập của nhiều nhà giáo còn thấp so với mức sống trung bình của người dân, đặc biệt giáo viên mầm non, tiểu học.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc mừng đến các quý vị đại biểu và toàn thể các thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều khóa luôn có nhiều đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Với sự tâm huyết, yêu nghề và am hiểu thực tiễn sâu sắc, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã từng bước được hoàn thiện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất, tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hoạt động giám sát về giáo dục và đào tạo được Quốc hội chú trọng thường xuyên. Đặc biệt, việc giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm; kịp thời phản ánh thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn Quốc hội.
Kết quả giám sát đã cung cấp thông tin quan trọng, phục vụ trực tiếp cho công tác thẩm tra các dự án luật; kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế và đưa ra những quyết sách quan trọng, giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất
Tự hào về những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, song Chủ tịch Quốc hội không khỏi trăn trở, suy tư về việc thể chế hoá một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp.
Chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn còn nhiều bất cập.
Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều. Tình trạng, thừa thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi, chưa được giải quyết căn cơ. Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc có xu hướng tăng.
Ngoài ra, các điều kiện bảo đảm cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế. Đến nay tỉ lệ phòng học chưa kiên cố hoá còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, các cơ quan có liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng.
“Tôi mong muốn mỗi thầy, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn” – Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần quán triệt tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 18/11/2024 vừa qua là: mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội 14 của Đảng”.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, sáng nay, đúng ngày 20/11, tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo, nhiều ý kiến góp ý, trao đổi của đại biểu Quốc hội; thể hiện tinh thần chăm lo, tôn vinh đội ngũ nhà giáo. Các góp ý sâu sắc, thẳng thắn để Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, cùng mục tiêu chung tay, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Minh Phong.ảnh:Xuân Phú