Tuyệt đối không vận động học sinh không đăng ký dự thi lớp 10 công lập

Đây là yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với các đơn vị, nhà trường trong việc tổ chức dạy học trong học kỳ 2 và tổng kết năm học đối với cấp THCS.

Ảnh minh họa.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục chỉ đạo tăng cường nề nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.

 

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục phù hợp với Khung kế hoạch thời gian năm học 2023 – 2024 của UBND TP và hướng dẫn nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị.

 

Đối với việc kiểm tra, đánh giá trong học kỳ 2, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc về việc hướng dẫn kiểm tra, đánh giá theo quy định; tuân thủ việc xây dựng ma trận đề cho các bài kiểm tra định kỳ, gồm các câu hỏi, bài tập theo các mức độ.

 

Chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu biên soạn, phê duyệt đề thi, coi thi, chấm thi và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi và kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

 

Căn cứ điều kiện cụ thể, các Phòng GD&ĐT xây dựng đề kiểm tra học kỳ 2 chung cho toàn đơn vị đối với các môn: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh lớp 9 và một số môn học của lớp 6, lớp 7, lớp 8 theo Chương trình GSPT 2018; tổ chức chấm chéo và rút kinh nghiệm giữa các nhà trường.

 

Căn cứ quy định cấu trúc định dạng đề thi và các đề thi minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường và tổ nhóm bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, tiến hành các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá để phân luồng học sinh. Kế hoạch này thông qua Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng và thông báo tới học sinh, cha mẹ học sinh.

 

Các nhà trường hướng dẫn cho học sinh tự học, tự ôn tập theo nhóm, lớp và tập trung cả khối nhưng phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú ý phân loại các đối tượng theo học lực, năng lực; chú ý đến học sinh có học lực yếu, kém, học sinh chưa chăm để hướng dẫn ôn tập, rèn kỹ năng làm bài hiệu quả nhất nhưng không quá tải; tránh học lệch, học tủ.

 

Quan tâm, giúp đỡ kịp thời đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tâm lý vững vàng bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

 

Việc khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 với các môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục giao Phòng GD&ĐT căn cứ vào điều kiện thực tiễn của đơn vị tổ chức, yêu cầu đảm bảo chặt chẽ, đúng quy chế và hiệu quả, có tác dụng tích cực cho việc ôn luyện và chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của học sinh.

 

Về việc định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 – 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu Trưởng Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu có tình trạng nêu trên.

 

Đồng thời quán triệt, chỉ đạo tới tất cả các trường THCS trên địa bàn tuyệt đối không vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 – 2025 và các năm tiếp theo (nếu có).

 

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

 

 

Vân Anh

8 Tháng Năm, 2024 | 11:36