Tuyển sinh đại học năm 2023: Quá trình lọc ảo phát huy hiệu quả

Mặc dù số thí sinh thi tốt nghiệp THPT giảm song số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 tăng 4,56% so với 2022.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và sự kiện, Bộ GD&ĐT.

Ngày 26/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.

Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng
Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, số thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giảm so với năm 2022 nhưng lượng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng các ngành giáo dục mầm non tăng 4,56%.

Cụ thể, trong số 1.011.589 thí sinh dự thi THPT năm 2022, 620.477 em đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, chiếm 61,34%.

Năm 2023, trong tổng số 1.002.100 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (ít hơn năm 2022 khoảng 9.000); có 660.258 đăng ký, chiếm 65,9%.

Tổng số nguyện vọng được đăng ký là 3.396.325, cao hơn mức cao hơn mức 3.098.730 của năm trước. Điều này chứng tỏ nhu cầu học đại học của người dân còn cao.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9% so với 2022. Trong đó, thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 là 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% và trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1%.

Trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.

Ngoài ra, hơn 30% thí sinh được tuyển thẳng xác nhận nhập học bằng phương thức này, chứng tỏ các em có những lựa chọn khác tốt hơn. Chỉ 32,2% thí sinh đặt ngành, trường trúng tuyển sớm lên nguyện vọng 1.

Số liệu tổng hợp của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 đến thời điểm này.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đánh giá, con số này chứng tỏ quá trình lọc ảo phát huy hiệu quả, thí sinh tránh được những sai sót như đăng ký nhầm phương thức hay tổ hợp xét tuyển, đảm bảo quyền lợi tối đa.

“Số lượng thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chỉ chiếm 32,2%, như vậy còn gần 70% thí sinh có nguyện vọng ảo, chưa phải là nguyện vọng yêu thích nhất. Từ đó, các trường cũng khó dự báo thí sinh ảo. Đây là điều cảnh báo các trường để điều chỉnh phương án ở những năm sau”, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Trong báo cáo công tác tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, công tác này dù chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp.

Nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

Đầu tư thích đáng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Hội nghị nghe 3 tham luận của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và 11 ý kiến từ đại diện các trường đại học.

Các đại biểu đã làm rõ kết quả và giải pháp về công tác quản lý chất lượng, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; công tác thanh tra, kiểm tra khối giáo dục đại học.

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng đã có các trao đổi, kiến nghị xung quanh các nội dung nhiệm vụ trọng tâm cần thống nhất triển khai trong năm học 2023-2024.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội phát biểu ý kiến. Ảnh: Như Quỳnh

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, tự chủ đại học là tất yếu, hiện phần lớn các trường đại học đã thực hiện việc này.

Ông Nguyễn Hữu Tú kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ các trường trong việc thực hiện tự chủ, đặc biệt là tài chính. Nếu không có chính sách hỗ trợ, các trường rất khó khăn, nhất là các trường mới tự chủ trong những năm gần đây.

“Tôi mong Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách tài chính cho các trường này”, GS.TS Nguyễn Hữu Tú nói.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, thành công là các trường đại học phát triển tốt; thành tựu của chuyển đối số khi tuyển sinh không cần đến giấy tờ, hệ thống đăng ký xét tuyển cả triệu thí sinh hoạt động trơn tru.

Thống nhất với báo cáo đánh giá kết quả giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT, song ông Lê Trường Tùng cho rằng: Qua báo cáo cho thấy vẫn còn tập trung nhiều vào tuyển sinh – đầu vào, mà không có số liệu đầu ra.

“Nói gì thì nói vẫn phải quan tâm tới đầu ra. Bao nhiêu người rời bỏ hệ thống, không thể tốt nghiệp đại học. Đặc biệt khi đã có hệ thống HEMIS quản lý chặt chẽ đến từng người học”, ông Lê Trường Tùng nêu vấn đề.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và sự kiện, Bộ GD&ĐT.

Một số đại biểu khác nêu những khó khăn trong việc triển khai Đề án 89, công tác kiểm định chất lượng.

Năm học 2022-2023, đội ngũ giảng viên đại học gia tăng về số lượng và chất lượng. Triển khai Đề án 89 về đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, năm 2022, có 187 cán bộ, giảng viên được đào tạo trong nước (đạt 24%), 80 đi đào tạo ở nước ngoài (đạt 32%). Năm 2023, con số này lần lượt là 118 trong nước (đạt 37%), 130 nước ngoài (đạt 64%).

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Nguồn: Báo Giáo dục &Thời đại

 

27 Tháng Tám, 2023 | 11:30
Theo giaoducthoidai.vn