Tuyển sinh đại học năm 2023 có ngành ‘trắng’ thí sinh
Kết thúc xét tuyển đợt 1, nhiều trường vẫn thiếu chỉ tiêu và phải thông báo tuyển sinh bổ sung.
Tân sinh viên trong ngày nhập học tại Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Ảnh: Website của trường
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ngành học/trường học vẫn chật vật tuyển sinh; thậm chí có ngành “trắng” thí sinh.
Chật vật tuyển sinh
Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Bạc Liêu là 745 sinh viên. TS Tô Vĩnh Sơn – Trưởng phòng Đào tạo cho hay, đợt 1, có khoảng 60% thí sinh đến trường nhập học trực tiếp. Hiện, nhà trường thông báo xét tuyển bổ sung số chỉ tiêu còn lại ở hầu hết các ngành đào tạo.
Theo kế hoạch của Trường ĐH Bạc Liêu, ngày 19/9 sẽ kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1, sau đó nhà trường tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2, dự kiến kéo dài hết ngày 30/9 “khóa sổ”, khép lại mùa tuyển sinh năm 2023. Tuy nhiên, theo TS Tô Vĩnh Sơn, thời điểm này có khoảng 150 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Dự đoán một số ngành sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra.
“Chẳng hạn như ngành Khoa học môi trường, ngành Bảo vệ thực vật, chỉ tiêu tuyển sinh là 50 sinh viên/ngành. Kết thúc xét tuyển đợt 1, ngành Bảo vệ thực vật có 6 thí sinh nhập học, ngành Khoa học môi trường có 10 thí sinh” – TS Tô Vĩnh Sơn thông tin và bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu nguồn nhân lực lĩnh vực này nếu vấn đề tuyển sinh không cải thiện trong những năm tới.
Mới đây, Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Tây Nguyên thông báo tiếp tục tuyển sinh chính quy đợt 3/2023 với 18 ngành. ThS Phạm Văn Thuận – Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh cho hay, sau xét tuyển đợt 1, có khoảng hơn 1.400 thí sinh xác nhận nhập học, tương đương 60% so với chỉ tiêu được giao.
Đối chiếu giữa thông báo tuyển sinh đợt 3 với đề án tuyển sinh của Trường ĐH Tây Nguyên cho thấy, nhiều ngành có kết quả thí sinh xác nhận nhập học dưới 10 sinh viên, cá biệt một số ngành có từ 1 – 5 thí sinh đến nhập học, thậm chí có ngành “trắng” thí sinh. Đơn cử như ngành Lâm sinh. Theo đề án tuyển sinh, ngành này có chỉ tiêu là 45 sinh viên, song thông báo tuyển sinh đợt 3 của trường, ngành cần tuyển bổ sung 45 chỉ tiêu.
Ảnh minh họa ITN.
“Chắt chiu” từng thí sinh
Theo kế hoạch, ngày 17/9, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) kết thúc đợt xét tuyển bổ sung. TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đợt xét tuyển này, nhà trường cần tuyển sinh bổ sung hơn 600 chỉ tiêu. Tuy nhiên, nhiều ngành dự kiến sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra.
Chẳng hạn như: Ngành Khoa học môi trường, chỉ tiêu tuyển sinh là 60 sinh viên nhưng đến thời điểm này, mới có 20 thí sinh nhập học. “Đợt xét tuyển bổ sung gần như không có thêm thí sinh nào nộp hồ sơ vào ngành này” – TS Võ Thanh Hải cho hay.
Cũng gặp không ít khó khăn, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) mới tuyển sinh được khoảng gần 30% trên tổng số hơn 1.500 chỉ tiêu được giao. TS Nguyễn Chí Hiểu – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu hết các ngành đều chưa đủ chỉ tiêu. Dù đã thông báo tuyển sinh bổ sung, nhưng có ngành mới tuyển được 3 – 4 sinh viên. “Càng những ngành truyền thống, càng khó tuyển sinh” – TS Nguyễn Chí Hiểu phân trần.
Theo TS Nguyễn Chí Hiểu, dù một số ngành có số lượng thí sinh nhập học ít nhưng nhà trường vẫn đào tạo, vì đó là nhiệm vụ. Trường sẽ đào tạo theo hình thức liên thông ngang, dọc. Khi đến các môn chuyên ngành, đòi hỏi kiến thức và nghiên cứu sâu sẽ tách lớp. Với ngành có 2 – 3 sinh viên, nhà trường ghép môn và bố trí cho các em học cùng anh/chị khóa trước. Một số môn sẽ gửi sinh viên sang trường khác học.
Thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, hầu như chưa năm nào Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) tuyển đủ chỉ tiêu. TS Nguyễn Chí Hiểu chia sẻ, nhà trường đã làm tất cả những gì có thể, từ nâng cao chất lượng, đổi mới chương trình đào tạo đến các chính sách đãi ngộ, thu hút người học nhưng công tác tuyển sinh vẫn gặp khó.
Nhìn nhận về thực trạng thí sinh không “mặn mà” các ngành nêu trên, TS Nguyễn Chí Hiểu cho rằng, nhiều thí sinh, phụ huynh chưa nhận thức đúng về ngành nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Không ít người cho rằng, học ngành này xong sẽ lại “chân lấm tay bùn” và khó xin việc.
Tuy nhiên, nhu cầu việc làm của những ngành này rất tốt, sinh viên ra trường luôn được các doanh nghiệp “săn đón”. Có nhiều doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng lao động với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng trở lên/tháng nhưng không đủ số lượng sinh viên để đáp ứng nhu cầu.
Theo nhận định của TS Võ Thanh Hải, một số ngành nông, lâm nghiệp, các ngành liên quan đến môi trường, khoa học cơ bản vẫn tiếp tục khó tuyển sinh và sẽ còn chật vật để tồn tại nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước. “Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp để chiêu sinh như: Trao tặng học bổng, tặng thiết bị, đồ dùng học tập nhưng vẫn “khát” thí sinh” – TS Võ Thanh Hải trao đổi.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho rằng, nếu chỉ nỗ lực của cơ sở đào tạo thì khó có thể lay chuyển tình thế, nhất là trong bối cảnh cơ chế thị trường ngày càng phát triển. Nên chăng, có cơ chế Nhà nước “đặt hàng” đào tạo để sinh viên không lo đầu ra; hoặc áp dụng cơ chế giống như đào tạo sinh viên sư phạm. “Nói chung, cần giải pháp tổng thể, dài hơi của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực cho những ngành” – TS Võ Thanh Hải đề xuất.
Theo ông Vũ Anh Tài – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm.
Giai đoạn 2016 – 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 – 2015. Những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có ít, thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Théo báo Giáo dục và Thời đại