Trường học mong sớm có kế hoạch tổ chức thi Tốt nghiệp THPT 2025 phù hợp
Các nhà trường mong muốn sớm có kế hoạch tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 phù hợp, phương án tuyển sinh đại học thuận lợi cho học sinh.
Thí sinh Nghệ An tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hồ Lài
Cần triển khai các môn thi tự chọn phù hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chính thức phương án Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ còn 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán – Ngữ văn. Còn 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An), với phương án 2 môn bắt buộc và có 9 môn thi tự chọn, thì kỳ thi có thể sẽ kéo dài trong nhiều ngày, tùy vào số hồ sơ đăng ký của thí sinh mỗi môn. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức và nguy cơ cồng kềnh trong việc thực hiện.
Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập mong muốn trong những năm tới, Bộ GD&ĐT cân nhắc triển khai các môn tự chọn để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, vừa thuận lợi trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp.
Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Nghệ An kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: Hồ Lài
Trường THPT Hà Huy Tập hàng năm đều có hầu hết học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển vào đại học. Theo thầy Cao Thanh Bảo, phương án thi thi tốt nghiệp theo Chương trình GPT 2018 nay đã rõ ràng và nhà trường sẽ có kế hoạch dạy học phù hợp.
Tuy nhiên, để hỗ trợ, tổ chức ôn tập cho học sinh xét tuyển đại học, vẫn phải chờ phương án tuyển sinh. Xu hướng hiện nay nhiều trường đại học có phương án tuyển sinh riêng, và chỉ dành tỷ lệ nhất định chỉ tiêu lấy kết quả thi tốt nghiệp. Vì vậy, về phía trường phổ thông cũng muốn mong trường đại học có phương thức tuyển sinh tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong tổ chức dạy học, ôn tập.
Còn cô Hồ Thị Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) chia sẻ, khi Bộ đã có phương án thi tốt nghiệp thì chắc chắn sẽ có kế hoạch tổ chức kỳ thi để các địa phương, nhà trường triển khai. Học sinh của trường chiếm khoảng 50 – 60% chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, ngoài 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, chắc chắn các em sẽ lựa chọn những môn dễ học, dễ thi, dễ đạt kết quả theo mục tiêu của mình. Những năm trước đây, xu hướng học sinh của trường chọn dự thi tổ hợp môn Khoa học xã hội ngày càng nhiều hơn Khoa học tự nhiên. Nhưng cơ cấu khối 10, 11 hiện nay thì số lớp định hướng tự nhiên và xã hội tương đương nhau, và không xin chuyển lớp. Vì vậy, nhà trường cũng không dự báo được số lượng học sinh đăng ký các môn tự chọn như thế nào. Trong khi việc tổ chức kỳ thi là đảm bảo quyền lợi và nguyện vọng của học sinh nên nhà trường cũng mong muốn Bộ sớm có kế hoạch để kịp thời chuẩn bị.
Chủ động “đón đầu” phương án tuyển sinh đại học
Những năm qua, bên cạnh xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xu hướng các trường đại học tổ chức bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh ngày càng nhiều. Theo chương trình cũ, học sinh có thể tham gia bài thi này thuận lợi, nhiều đợt, nhiều trường vì tất cả môn học đều bắt buộc.
Tuy nhiên, với Chương trình GDPT 2018, cấp THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Học sinh ngoài 6 môn bắt buộc, các em đăng ký học các môn lựa chọn theo năng lực, thế mạnh cũng như định hướng nghề nghiệp bản thân.
Giờ học của cô trò Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Thầy Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, từ cách đây 2 năm, nhà trường đã tổ chức cho các tổ bộ môn, giáo viên nghiên cứu bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… Qua đó đánh giá về phạm vi, nội dung, mức độ kiến thức. Sau khi nghiên cứu, giáo viên có tham luận, hoặc đề xuất phương hướng dạy học vừa đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa trang bị kỹ năng, kiến thức cho học sinh tham gia xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, đối với học sinh Chương trình GDPT 2018 gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ví dụ bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh gồm các câu hỏi bắt buộc thuộc các môn Toán – Ngữ văn – tiếng Anh. Phần thi còn lại, thí sinh được lựa chọn 3 nhóm câu hỏi trong 6 nhóm vấn đề thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Nhưng bài thi đánh giá năng lực của các trường đại học khác lại không có nhiều lựa chọn như vậy cho thí sinh.
Theo thầy Phan Trọng Đông thời gian qua, trường định hướng cho học sinh chọn lớp trên cơ sở nguyện vọng nghề nghiệp tương lai của học sinh. Các môn học sinh đăng ký có sự tương đồng với các tổ hợp khối truyền thống. Tuy nhiên, việc định hướng này chỉ mang tính chất tương đối, giáo viên học sinh vẫn mong muốn có phương án tuyển sinh đại học tối ưu.
Thầy Chu Viết Tấn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, phương án xét tuyển đại học bằng bài thi đánh giá năng lực hiện nay đều chưa phải là tối ưu. Vì đây là kỳ thi riêng của các trường đại học nên có thể chưa rõ độ tin cậy, chính xác. Giáo viên ở các trường THPT cũng rất khó khăn khi tiếp cận đề, tiếp cận tài liệu của kỳ thi này. Tham gia kỳ thi, học sinh phải học rất nhiều môn, chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, còn tốn kém cho gia đình các em về lệ phí, chi phí đi lại dự thi.
Thầy Chu Viết Tấn mong đợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có một phương án thi đại học thích hợp cho tất cả thí sinh. Qua đó tạo thuận lợi cho học sinh ở các vùng miền, địa phương trên cả nước.