TPHCM tăng tốc xây dựng phòng học mới
Trong bối cảnh số học sinh hằng năm tăng cao, TPHCM đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường học.
Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12) do thiếu phòng học nên mục tiêu dạy học 2 buổi cho các lớp theo chương trình mới không thể thực hiện. Ảnh: Hồ Phúc
Trong đó, dự kiến đến năm 2025, địa phương này xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.
Ráo riết triển khai
Tính đến năm học 2023 – 2024, TPHCM có 2.737 cơ sở GD-ĐT, với hơn 50 nghìn phòng học từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên, chuyên biệt. Mạng lưới trường lớp công lập được phủ khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức với quy mô ngày một tăng.
Tuy nhiên, ở một số quận, huyện, nhiều trường tiểu học có sĩ số cao hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, điều kiện sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo chuẩn quy định. Do đó Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới đến năm 2025, được kỳ vọng góp phần giải quyết áp lực chỗ học, đồng thời đáp ứng nhu cầu trường, lớp, phòng học, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số học sinh/lớp đạt chuẩn…
Tại TP Thủ Đức, ngày 3/11, UBND TP Thủ Đức tổ chức lễ khởi công công trình xây dựng Trường THCS Phú Hữu. Công trình có quy mô xây dựng 1 trệt 2 lầu trên diện tích 14.343 m2, gồm 45 phòng học và phòng chức năng, hạng mục phụ trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị giáo dục THCS. Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 10 nghìn m2 với mức đầu tư trên 124 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 12/2024.
Hiện, quận Tân Bình tập trung cao điểm cho công tác triển khai dự án xây dựng cụm trường học tại khu đất công trình công cộng trên địa bàn phường 6. Cụm trường học này gồm Trường Mầm non Sơn Ca (quy mô 20 phòng học), Trường Tiểu học Hùng Vương (30 phòng học) và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (45 phòng học). Dự án được ngân sách thành phố bố trí vốn trên 1.156 tỷ đồng, trong đó chi phí hỗ trợ là 572,986 tỷ đồng, chi phí xây lắp 583 tỷ đồng. Hiện, thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng công trình được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của pháp luật, đặt cột mốc hoàn thành đưa vào sử dụng dịp 30/4/2025.
Quận 12 là một trong những địa phương có áp lực lớn về trường, lớp do tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm cao. Nhiều trường tiểu học tại quận có trên 50 lớp, không ít lớp sĩ số hơn 50 học sinh. Tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học còn thấp chỉ đạt gần 30% (tăng khoảng 2%) so với năm học trước. Theo bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12, từ nay đến năm 2025, địa phương dự kiến đầu tư 33 dự án trường học. Việc triển khai và đưa vào sử dụng dự án trên giúp địa bàn có thêm 976 phòng học, giảm áp lực trường lớp, tạo điều kiện tăng cường chất lượng dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Từ đó nâng cao tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, có thêm nhiều phòng học bộ môn để thực hiện đề án dạy, học tiếng Anh…
Công trình xây dựng Trường THCS Phú Hữu (TP Thủ Đức) chính thức khởi công từ đầu tháng 11/2023. Ảnh: Lương Hợp
Nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ
Với chủ trương đầu tư xây dựng 4.500 phòng học mới đến năm 2025, TPHCM sẽ hoàn thành 270 dự án thuộc ba nhóm để đưa 5.815 phòng học vào sử dụng.
Theo đó, nhóm 1 là các công trình trường học có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và 2021 – 2025, thuận lợi về thủ tục hồ sơ, đề nghị ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ. Nhóm 2 là danh mục các công trình trường học đề xuất mới khả thi đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Nhóm 3 là danh mục công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai, có thể tháo gỡ các nội dung liên quan để đẩy nhanh đầu tư.
Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, chủ trương đầu tư xây dựng 4.500 phòng học mới ngoài việc hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, triển khai công trình, dự án trọng điểm hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, còn hướng tới mục tiêu 300 phòng học/10 nghìn dân. Tuy nhiên việc thực hiện Đề án gặp phải một số khó khăn.
Thực tiễn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy có nhiều khó khăn như: Tiến độ thực hiện chậm, vướng mắc về thủ tục trình thông qua dự án… Ngoài ra, quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai đầu tư, hiện hầu hết dự án xây dựng trường mới quy hoạch trên đất phải bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến khó và chậm triển khai theo kế hoạch đề ra, quy trình thực hiện nhiều bước và giá cả thay đổi. Đặc biệt, thời điểm hiện tại, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện thực hiện điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch, việc đề xuất đầu tư bị ảnh hưởng.
“Sở GD&ĐT TPHCM đã có nhóm giải pháp cụ thể về các vấn đề như quy hoạch đô thị, quỹ đất, đầu tư công, xã hội hóa, cơ chế chính sách, quản lý… Sở sẽ rà soát, phân tích cụ thể dự án đã đưa vào danh mục đầu tư trung hạn, chưa hoàn chỉnh còn khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể, dự án nào hoàn chỉnh để ưu tiên tập trung bố trí vốn. Đồng thời rà soát lại vướng mắc như vốn đầu tư, quỹ đất, tình hình quy hoạch mạng lưới trường lớp tại địa phương vượt quá thẩm quyền của TPHCM, tham mưu văn bản kiến nghị cụ thể với các bộ, ngành để có sự điều chỉnh phù hợp hoặc cho phép TP áp dụng cơ chế đặc thù đối với địa bàn, đúng tình hình thực tế…”, ông Nam cho hay.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, đơn vị đang làm việc với TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về thực hiện nội dung đề án. Từ kết quả làm việc, sở sẽ đề xuất với UBND TP các nội dung như: Ưu tiên sắp xếp, cân đối nguồn vốn để bố trí cho các dự án thuận lợi triển khai đẩy nhanh đầu tư; Chỉ đạo sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác, giải ngân và đẩy nhanh tiến độ dự án. Cùng đó rà soát, xử lý và tham mưu UBND TP phương án giải quyết các vấn đề tồn tại, khó khăn của dự án thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cấp trên xem xét nếu vượt thẩm quyền; rà soát, đề xuất giải pháp nhằm tăng quỹ đất đầu tư xây dựng trường lớp…
|