TPHCM sẽ nghiên cứu ứng dụng giáo viên ảo hỗ trợ học sinh
Ứng dụng giáo viên ảo được thiết kế để trả lời các câu hỏi mà học sinh thường hỏi như kế hoạch bài học, mô-đun khóa học, bài tập.
Mô hình lớp học số tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TPHCM)
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo từ môi trường nghiên cứu đến thí nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Theo kế hoạch, ngành GD&ĐT được giao nhiệm vụ tập trung nghiên cứu các công nghệ và giải pháp gồm:
Ứng dụng giáo viên ảo được thiết kế để trả lời các câu hỏi mà học sinh thường hỏi như kế hoạch bài học, mô-đun khóa học, bài tập. Giáo viên ảo có thể theo dõi tiến độ học tập của học sinh qua hình thức một kèm một, cung cấp cho từng người tham gia những phản hồi được cá nhân hóa. Đồng thời, giới thiệu cho học sinh những nội dung học tập phù hợp hơn bằng cách phân tích những kỹ năng học tập và những điểm còn thiếu sót của học sinh.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng nghề nghiệp. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp phân tích, đánh giá kết quả học tập, sở thích, mục tiêu của học sinh và nhu cầu của thị trường lao động. Từ đó, dự đoán và tư vấn định hướng lựa chọn trường, nghề nghiệp cho học sinh.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp quản lý học sinh thông qua phân tích thông tin kết quả học tập, sức khỏe học đường, tâm sinh lý, nhu cầu giải trí… nhằm đưa ra đề xuất nâng cao hiệu quả học tập.
Theo kế hoạch, mục tiêu của kế hoạch là triển khai có hiệu quả các nội dung Chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020- 2030. Phấn đấu đưa TP HCM trở thành trung tâm hàng đầu cả nước về nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng và phát triển nền tảng công nghệ AI.
Sở GD-ĐT chủ trì và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng chương trình tập huấn trực tuyến, bồi dưỡng kiến thức AI cho cộng đồng xã hội từ cơ bản đến nâng cao. Đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, tầng lớp xã hội. Tích hợp chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức AI vào nền tảng trực tuyến.