Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm đổi mới, chấn hưng nền văn hóa
Suốt cuộc đời và sự nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt dành tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Trải qua nhiều cương vị, với những trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt dành tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa; Hội nghị toàn quốc về văn hóa của Đảng sau hơn 70 năm là dấu mốc gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng về vị thế hiện tại của Việt Nam trên trường quốc tế: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
“Nhận định này để khẳng định rằng đất nước ta đã đạt được mức độ phát triển, tiềm lực và uy tín quốc tế vượt bậc, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân cả nước. Đây chính là sự khẳng định những thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được qua nhiều giai đoạn, đặc biệt là sau khi thực hiện các chính sách Đổi Mới từ năm 1986.
Thứ hai, khi Tổng Bí thư đề cập đến “lòng tự hào dân tộc”, là muốn khuyến khích người dân cảm nhận và chia sẻ sự tự hào về những thành tựu và vị thế hiện tại của đất nước. Sự tự hào này không chỉ là niềm kiêu hãnh, mà còn là động lực để toàn dân đoàn kết và phát huy tối đa tiềm năng của mình. Thứ ba, việc nhấn mạnh đến “quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam” cho thấy tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, văn hóa không chỉ đóng vai trò nền tảng, mà còn là động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đặc biệt, Việt Nam hiện tại có nền tảng và điều kiện rất thuận lợi để tiến xa hơn. Những thành tựu đã đạt được tạo nền tảng vững chắc giúp đất nước tự tin tiến vào giai đoạn mới với những cơ hội và thách thức mới.
Trần Hòa