Thư gửi học trò

Nhân dịp năm học mới, Trang tin Giáo dục và Pháp luật  trân trọng giới thiệu bức thư của thầy Nguyễn Đình Ánh (tỉnh Nghệ An) gửi tới các em học sinh.

Các trò phải luôn xác định rằng, học tập cũng là một quá trình rèn luyện để vượt qua khó khăn, thử thách và cả thất bại. Ảnh minh họa

Bức thư của thầy Nguyễn Đình Ánh (giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2 – xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) viết:

Năm học 2023 – 2024 sẽ tiếp nối những đổi mới căn bản, toàn diện của ngành Giáo dục. Đó là cơ hội cũng là thách thức đối với cả thầy và trò chúng ta. Nhưng làm thế nào để biến cơ hội và thách thức trong học tập, hòa thành niềm vui trong hành trình đi tìm phẩm chất, năng lực, tri thức cho bản thân?

Làm thế nào để các em tự thấy rằng, đến trường học tập là đến với bầu trời tự do? Làm sao để ai cũng cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”? Mỗi ngày đến trường đều mang niềm hân hoan, phấn khởi, thiêng liêng như ngày đầu tiên đến trường. Xuất phát từ những băn khoăn trên, thầy muốn gửi đến các em đôi điều chia sẻ.

Đến trường để học điều hay
Các em thân mến!

Nhà văn Victor Hugo từng nói “Một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ trở thành người tốt”. Sự dạy bảo đó đến từ gia đình, nhà trường nhưng góp phần quan trọng là môi trường học đường với sự dìu dắt của thầy, cô giáo. Trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều có tính hướng thiện, hướng về những điều tốt đẹp.

Trường học chính là ngôi nhà thứ hai. Nơi ấy, có những người thầy, người cô như bố mẹ, anh chị sẽ cùng với gia đình giáo dục, đánh thức lòng hướng thiện trong mỗi em. Mỗi ngày đến trường, các em sẽ học được một bài học tốt; khám phá niềm vui hay sáng tạo sản phẩm nào đấy… Cứ như thế mỗi ngày, các em tự bồi đắp phẩm chất tốt trong chính mình. Đó là nền tảng ban đầu để trở thành người tốt.

Các em ạ!

Nhưng thầy cũng mong mỗi em hãy nhìn vào thực tế để hiểu rằng, trường học hiện nay cũng phải đối mặt với vấn nạn như bạo lực học đường, bệnh thành tích… Những vấn nạn ấy như là một phần tất yếu của “dư chấn”, hệ quả trên con đường phát triển của xã hội. Thầy trò phải đối diện và dũng cảm loại bỏ nó. Phải chủ động tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh.

Phải tạo ra giá trị thiết thực, lâu bền chứ không phải là phong trào bề nổi. Chính các em chứ không phải là ai khác, hãy sáng lập ra các câu lạc bộ lấy nền tảng là tri thức và sức khỏe. Đó có thể là câu lạc bộ đọc sách, bơi lội. Đó cũng có thể là một câu lạc bộ với nền tảng là “yêu thương” và “chia sẻ” như câu lạc bộ thiện nguyện, cộng đồng… Trong mỗi câu lạc bộ, các em tự tạo ra giá trị riêng biệt với “sản phẩm” hữu ích để lan tỏa yêu thương, điều tốt đẹp tới cộng đồng, trước hết là trong ngôi trường các em đang theo học.

Ảnh minh họa ITN.

Được nhận và trao yêu thương
Các em thân mến!

Bước vào năm học mới, các trường học trên mọi miền đất nước đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí cho trường học hạnh phúc. Đó cũng là niềm vui để các em đến trường được nhận và trao yêu thương đến mọi người.

Yêu thương trong trường học hạnh phúc là khi các em được gặp gỡ thầy cô luôn quan tâm, không thờ ơ, vô cảm với trò. Công việc của thầy cô là quan tâm, ân cần dạy dỗ những bài học hay, chắp cánh cho học sinh tiếp cận tri thức. Đồng thời, thầy cô còn đồng hành trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa để các em được tự do bày tỏ mong muốn, ước mơ; được thể hiện điểm mạnh, năng khiếu của bản thân và chia sẻ, trao yêu thương đến các bạn.

Tình yêu thương lớn lên nhờ sự cho đi. Yêu thương mà các em cho đi cũng là thứ mà các em giữ được. Thiền sư Nhất Hạnh từng chia sẻ: “Khi ta trồng cây, mà cây không lớn tốt, ta không đổ lỗi cho cái cây, mà đi xem xét các lý do vì sao lại như vậy: Thiếu nước, thiếu phân bón, hay thiếu ánh nắng Mặt trời.

Vậy nhưng khi ta có vấn đề với bạn bè hay gia đình, ta lại đổ lỗi cho họ. Nếu ta biết cách quan tâm, họ cũng sẽ “lớn tốt” như cây cối vậy. Đổ lỗi cho ai đó hoàn toàn là vô nghĩa, tranh cãi cũng vậy. Đó là kinh nghiệm của tôi. Không đổ lỗi cho ai, không tranh cãi, chỉ đơn giản là hiểu. Nếu ta hiểu vấn đề, thể hiện ra điều đó, ta sẽ luôn có thể yêu thương và vấn đề đó sẽ được giải quyết”. Các em đến trường, trước hết là để đón nhận yêu thương bằng cách cho đi những thương yêu mà mình vốn có.

Hạnh phúc khi được thử thách
Ngạn ngữ Hy Lạp có câu “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả rất ngọt ngào”. Tục ngữ của ta cũng có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Con đường học vấn chưa bao giờ dễ dàng, chưa bao giờ trải đầy hoa hồng. Các em phải thực sự cố gắng, nỗ lực hết mình mới có thể tích lũy được nhiều kiến thức và trở thành người tài giỏi, có ích cho xã hội. Để đạt được điều đó đòi hỏi các trò phải cố gắng, nỗ lực hết mình, không ngừng vươn lên trong từng khoảnh khắc đến trường học tập.

Có một tâm lý phổ quát là khi ta vượt qua thử thách để đạt thành công như mong muốn, bản thân sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc. Như vậy, các trò phải luôn xác định rằng, học tập cũng là một quá trình rèn luyện bản thân để vượt qua những khó khăn, thử thách và cả thất bại.

Năm học này, học trò lớp 10 – 11 sẽ học Chương trình GDPT 2018. Trong chương trình này, các em sẽ hướng đến phát hiện, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của bản thân thông qua việc khám phá những bộ sách giáo khoa mới, học tập dưới mô hình, phương pháp giáo dục mới.

Đó là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức. Bởi lẽ, các em đã quen với mô hình, phương pháp học tập truyền thống. Để bỏ đi một cái cũ và theo đuổi điều mới bao giờ cũng là thử thách lớn phải vượt qua. Các em cần cởi bỏ tư tưởng, thói quen học tập cũ; chủ động làm quen với điều mới. Thầy tin với sức trẻ, tâm hồn trẻ, các em sẽ vượt qua thách thức này và tìm được niềm vui mới trong học tập.

Các em thân mến!

Năm học mới bắt đầu, hãy lan tỏa nguồn năng lượng “trẻ”, nguồn năng lượng “xanh” đến bố mẹ, thầy cô để những người lớn như thầy thấy rằng, được gặp gỡ và giáo dục các em là mối lương duyên thiêng liêng nhất của cuộc đời. Năm học mới, thầy gửi tới các em niềm tin về một chặng đường thành công, “những hoa quả ngọt ngào” mà các em sẽ hái được.

Theo báo Giáo dục và Thời đại

6 Tháng Chín, 2023 | 11:13
Theo giaoducthoidai.vn