Thi tốt nghiệp THPT với 4 môn phù hợp với xu thế quốc tế

Theo ý kiến chuyên gia, phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn từ năm 2025 đáp ứng định hướng lấy người học làm trung tâm, phù hợp xu thế quốc tế.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định.

Tôn trọng sự lựa chọn của học sinh
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với lứa học sinh học theo Chương trình GDPT 2018.

Theo đó, các em sẽ phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, là người trực tiếp xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo Chương trình GDPT 2018, cô và đồng nghiệp rất chờ đợi phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp năm 2025 của Bộ GD&ĐT.

Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu.

Theo cô Lập, phương án thi 4 môn là một quyết định hợp lý và phù hợp với thực tế. Phương án này đồng nhất với mục tiêu giáo dục của cấp THPT là giáo dục theo định hướng nghề nghiệp. Việc thi nhiều môn sẽ dẫn đến việc không còn sáng rõ mục tiêu ở cấp học này, tạo áp lực không cần thiết cho học sinh.

Tuy nhiên, trong lớp học, mỗi học sinh học theo định hướng riêng nên sẽ dễ phân tán trong học tập các môn. Giáo viên cũng sẽ vất vả hơn khi xây dựng bài và giảng dạy thực tế. Vì vậy, giáo viên phải rất chú ý đến tính phân hoá trong lớp học để giảng dạy.

“Dù giảm áp lực về số lượng môn thi nhưng tính cạnh tranh nếu sử dụng kết quả này để xét tuyển ĐH sẽ rất cao. Sự phân hoá sẽ rất rõ rệt vì khối thi giảm bớt, sự đầu tư của học sinh cho môn định hướng nghề sâu hơn”, cô Lưu Thị Lập chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Hoàng Cầu trong một hoạt động sinh hoạt dưới cờ.

Ngoài ra, vị Hiệu trưởng cũng khẳng định, việc môn Ngoại ngữ trở thành môn học tự chọn trong việc thi tốt nghiệp cũng là hợp lý. Tuy nhiên, Trường THPT Hoàng Cầu vẫn xác định đây là môn thi bắt buộc xuất hiện trong các bài thi định kì của cả 3 khối.

Việc học Tiếng Anh – ngôn ngữ kết nối thế giới trong thời đại này là rất quan trọng, Bộ GD&ĐT coi đó là môn học sinh tự chọn để thi tốt nghiệp vì tính phổ biến, đại trà và tôn trọng cao nhất đối với sự lựa chọn và định hướng của cá nhân mỗi học sinh.

Tiệm cận với xu hướng quốc tế

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, phương án thi 4 môn là phù hợp với triết lý lấy người học làm trung tâm, tôn trọng sự phát triển đa trí thông minh, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế.

Trước đây, tất cả các môn thi do Nhà nước chọn, học sinh buộc phải thi những môn đó không phân biệt thiên hướng nghề nghiệp. Còn từ năm 2025, học sinh phải thi 2 môn học đại diện cho những năng lực tư duy tối cơ bản của một người trưởng thành.

Đó là năng lực tư duy định lượng (Toán học), năng lực tư duy ngôn ngữ định tính (Văn học) và các em được quyền lựa chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, thiên hướng nghề nghiệp mà bản thân dự định xét tuyển các trường cao đẳng hay đại học.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định.

Sử dụng phương thức thi 4 môn cũng sẽ thay đổi quan niệm về khối thi truyền thống. Điều này có thể phù hợp với thực tiễn rất nhiều ngành nghề mới ra đời trong thị trường lao động, các chương trình đào tạo mới mà các cơ sở giáo dục đang xây dựng mang tính “xuyên ngành” kết hợp cả khoa học tự nhiên, xã hội và công nghệ.

So sánh về các môn thi tốt nghiệp ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ sẽ thi Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật và tổ hợp các môn khác như Toán, Tiếng Anh, một môn khoa học hoặc khoa học xã hội nhân văn.

Hệ thống thi tốt nghiệp Abitur ở Đức sẽ gồm các môn bắt buộc là Ngữ Văn và Toán với các môn chuyên ngành được lựa chọn theo sở thích như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ cùng nhiều lựa chọn khác kết hợp với đánh giá năng khiếu và kỹ năng toàn diện khác của cá nhân như năng lực lãnh đạo, tự quản, làm việc nhóm, phân tích giải quyết vấn đề.

PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 về cơ bản cũng đã tiếp thu và tiệm cận đến với các phương án tổ chức thi tốt nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Nếu chúng ta coi trọng tư duy phản biện thì yêu cầu bắt buộc đối với Ngoại ngữ cũng là cách để rèn luyện kỹ năng giao tiếp và nâng cao năng lực tư duy phản biện. Tuy nhiên, với bối cảnh của Việt Nam sẽ khó khăn cho nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa mà tiếng Kinh không phải là tiếng mẹ đẻ, phải thi bắt buộc môn Tiếng Anh sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và bất bình đẳng giữa học sinh vùng thuận lợi và những vùng khó khăn” – PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi thêm.

15 Tháng Mười Hai, 2023 | 14:40
Theo giaoducthoidai.vn