Thi học sinh giỏi theo chương trình mới: Kỳ thi đổi mới
Năm học 2024 – 2025, Chương trình GDPT 2018 được áp dụng với toàn bộ khối lớp.
Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: NTCC
Để phù hợp với chương trình mới, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh ở nhiều địa phương cũng sẽ có những thay đổi, đặc biệt về nội dung thi, bài thi.
Thay đổi cơ bản nội dung đề thi
Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã có hướng dẫn tổ chức thi chọn học sinh giỏi năm học 2024 – 2025. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Hữu Quỳnh, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh có sự thay đổi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Trong đó, thay đổi cơ bản ở nội dung đề thi.
Sở GD&ĐT đã chốt thời gian thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh THCS và THPT vào 6/12/2024. Với cấp THCS sẽ tổ chức thi các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Nội dung thi giới hạn ở lớp 8 và lớp 9 đến thời điểm tổ chức thi.
Riêng hai môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, ông Đỗ Hữu Quỳnh cho biết, đề thi được thiết kế bao gồm kiến thức từng phân môn với số lượng câu hỏi phù hợp. Cụ thể, đề có phần bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc chiếm 60% tổng số điểm. Phần tự chọn chiếm 40% tổng số điểm.
Môn Khoa học tự nhiên, đề có 3 phần bắt buộc (với mạch nội dung của các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất; Năng lượng và sự biến đổi; Vật sống; Trái đất và bầu trời) được thiết kế dưới dạng các câu hỏi. Thí sinh làm mỗi phần thi trên giấy làm bài độc lập. Đồng thời, có 3 phần tự chọn cùng với các mạch nội dung trên. Thí sinh chọn 1 trong 3 phần để làm bài trên tờ giấy cùng nội dung ở phần thi bắt buộc.
Tương tự, ở môn Lịch sử và Địa lí, đề thi có 2 phần bắt buộc và tự chọn. Ở phần bắt buộc có 2 phân môn Lịch sử, Địa lí được thiết kế dưới dạng các câu hỏi. Thí sinh làm bài mỗi phân môn trên các tờ giấy độc lập. Phần tự chọn, thí sinh có thể chọn làm bài phân môn Lịch sử, hoặc Địa lí. Thí sinh làm bài tự chọn trên tờ giấy cùng phân môn ở phần bắt buộc.
Cùng với Khánh Hòa, nhiều địa phương trong kế hoạch thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh có thêm các môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Tại Bình Phước, từ tháng 5/2024, sở GD&ĐT đã công bố cấu trúc đề thi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS từ năm học 2024 – 2025 các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.
Đáng chú ý, 3 môn đề thi có phần bắt buộc và tự chọn. Cụ thể, môn Công nghệ sẽ có phần thi bắt buộc với 15 điểm (thang điểm 20); phần lựa chọn, thí sinh chọn một trong hai mạch kiến thức: Trồng cây ăn quả và lắp đặt mạng điện trong nhà.
Môn Khoa học tự nhiên, phần bắt buộc chỉ chiếm 3/20 điểm; phần lựa chọn (17/20 điểm), thí sinh chọn một trong 3 mạch kiến thức Vật lí, Hóa học, Sinh học để làm bài. Tương tự, môn Lịch sử và Địa lí, phần bắt buộc cũng chỉ chiếm 3 điểm với nội dung là chủ đề kiến thức liên môn; phần thi lựa chọn (17 điểm), thí sinh chọn một phân môn trong hai phân môn Lịch sử, Địa lí để làm bài.
Ngày 21/8, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 cấp thành phố năm học 2024 – 2025. Theo đó, với kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố sẽ thi viết các môn: Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật (môn ngoại ngữ có phần thi nghe), Công nghệ (định hướng công nghiệp), Công nghệ (định hướng nông nghiệp); thi lập trình trên máy vi tính với môn Tin học. Thời gian tổ chức thi vào 14/3/2025.
Ảnh minh họa ITN.
Sớm chuẩn bị cho môn thi mới
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Bạch Đăng Khoa, sở đã dự thảo hướng dẫn thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh năm học 2024 – 2025. Theo dự thảo, khối lớp 9 sẽ thi các môn: Toán; Ngữ văn; Tiếng Anh; Khoa học tự nhiên (gồm bài thi Tự nhiên 1, Tự nhiên 2, Tự nhiên 3, tương ứng với kiến thức định hướng các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cấp THPT); Lịch sử và Địa lí (gồm bài thi Lịch sử và Địa lí 1, Lịch sử và Địa lí 2, tương ứng với kiến thức định hướng các môn Lịch sử, Địa lí cấp THPT); Giáo dục công dân, Tin học.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 8 và lớp 9. Điểm mới nằm ở bài thi Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Cụ thể, đối với các bài thi Tự nhiên 1, Tự nhiên 2, Tự nhiên 3, Lịch sử và Địa lí 1, Lịch sử và Địa lí 2, mỗi bài thi gồm 2 phần. Phần 1 là kiến thức chung nền (khoảng 20%); phần 2 là kiến thức nâng cao (khoảng 80%). Sự khác nhau của các bài thi nằm ở tỷ lệ kiến thức các phân môn.
Năm học 2024 – 2025 là năm đầu tiên huyện Kỳ Sơn, Nghệ An tổ chức thi học sinh giỏi có các môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Theo Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Viết Phúc, đầu tháng 9, phòng GD&ĐT sẽ xây dựng hướng dẫn tổ chức thi.
Nhìn nhận thách thức trong bồi dưỡng học sinh giỏi 2 môn này, ông Phạm Viết Phúc cho rằng, môn học mới nên có khó khăn cho giáo viên trong xây dựng kế hoạch, đề cương bồi dưỡng và truyền thụ kiến thức tới học sinh; việc tiếp cận, tiếp thu kiến thức của học sinh cũng khó khăn hơn.
Tại Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ, nhà trường đã tổ chức thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên ngay từ cuối năm lớp 6.
Hằng năm, trường đều tổ chức thi chọn lại đội tuyển học sinh giỏi cho các khối lớp 6, 7, 8 để thúc đẩy và nâng cao sự yêu thích môn học, cũng như tạo nguồn học sinh giỏi cho các kỳ thi môn khoa học.
Việc thiết kế chương trình học tích hợp, cũng như các hoạt động giảng dạy phù hợp, đặc biệt là chương trình bổ sung nâng cao môn Khoa học tự nhiên từ năm lớp 8 và lập đội tuyển học sinh giỏi từ sớm giúp học sinh hiểu sâu hơn và có khả năng áp dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tế; từ đó, các em yêu thích môn học, kết quả học tập tốt hơn.
“Chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi năm nay, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên cho học sinh khối 9 từ tháng 8. Năm học 2024 – 2025, trường tiếp tục tổ chức cho tổ nhóm bộ môn nghiên cứu xây dựng chương trình học chính khóa và chương trình bổ sung nâng cao cho phù hợp với mục tiêu của từng khối; đặc biệt quan tâm tới khối 9 để học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi và kỳ thi vào lớp 10.
Nhà trường quan tâm tổ chức soạn mẫu và dạy mẫu các bài trong chương trình, sách giáo khoa mới môn Khoa học tự nhiên lớp 9; nghiên cứu nội dung bài học khó để có giải pháp dạy học phù hợp”, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ.
Đề thi là một trong những yêu cầu quan trọng cần chuẩn bị trước kỳ thi chọn học sinh giỏi. Sở GD&ĐT Bắc Giang đã yêu cầu mỗi phòng GD&ĐT, trường THPT gửi về sở một bộ đề thi đề xuất, gồm tất cả môn tổ chức thi và hướng dẫn chấm. – Ông Bạch Đăng Khoa
Hiếu Nguyễn