Thầy trò chủ động chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình mới

Các trường học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của lứa học sinh học Chương trình mới.

Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong giờ ôn tập. Ảnh: Lan Anh

Không lơ là học tập

Với nguyên tắc tổ chức kỳ thi giảm áp lực cho học sinh và tốn kém cho người dân, phương án tổ chức thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) nhận được sự đồng thuận cao. Theo đó, thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Hình thức thi vẫn giữ ổn định, trong đó môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Em Phạm Đức Hà – học sinh lớp 11A6, Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Đây là phương án thi mà học sinh mong chờ, vì có ít môn thi nhất. Chúng em rất mừng vì phương án thi đã công bố đúng kế hoạch, giúp học sinh có thời gian, yên tâm chuẩn bị tốt cho các môn dự định lựa chọn để đăng ký dự thi”.

Dù Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc nhưng em Nguyễn Mai Trang – học sinh lớp 11A2, Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) và nhiều bạn khác vẫn yêu thích, tập trung học. Theo Mai Trang, thực tế cho thấy, Tiếng Anh không chỉ là một môn học, còn là phương tiện học tập, giúp học sinh có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Còn Nguyễn Bảo Ly – học sinh lớp 11A1, Trường THPT Hoài Đức A (huyện Hoài Đức) cho rằng, mỗi môn học đều có vai trò trong cuộc sống, vì thế việc thi hay không môn học nào đó không đồng nghĩa học sinh chểnh mảng môn còn lại. Bên cạnh đó, với quy định xét tốt nghiệp THPT bằng phương thức kết hợp kết quả thi và đánh giá quá trình học thì học sinh khó có thể lơ là trong học tập.

Phương án thi từ năm 2025 không chỉ giảm áp lực, mà còn giúp học sinh phát huy tối đa năng lực. Phương án này không ảnh hưởng nhiều tới dạy học ngoại ngữ và tin rằng sẽ có nhiều học sinh chọn là môn thi tốt nghiệp.

Chia sẻ quan điểm, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) đồng thời thông tin: Để đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều năm nay, Trường THPT Phan Đình Phùng đặc biệt coi trọng môn Tin học, Ngoại ngữ và thực tế được học sinh hưởng ứng. Với phương án thi mới, các em được giảm áp lực rất nhiều, giúp những giờ học trên lớp thêm hấp dẫn, không quá nặng về ôn luyện phục vụ thi như trước.

Năm 2025, học sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của Chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa: Lan Anh
Sẵn sàng cho kỳ thi đầu tiên
Hà Nội có khoảng hơn 100 nghìn học sinh lớp 11 đang theo học Chương trình GDPT 2018. Đây là lứa học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025. Cho rằng phương án này được xây dựng theo nguyên tắc giảm áp lực cho học sinh, các thầy cô cho biết sớm có lộ trình ôn tập phù hợp.
Thầy Lê Việt Dương – Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết, sau khi biết phương án thi tốt nghiệp của lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình GDPT 2018, thầy trò đều vui mừng vì đã có kế hoạch ôn tập, sẵn sàng cho kỳ thi vào năm 2025.
Theo quy định, để được xét công nhận tốt nghiệp, ngoài điểm bài thi, còn sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập. Quy định này được nhà trường thông tin đến toàn thể học sinh lớp 11 để chủ động có kế hoạch học tập, vừa đáp ứng tốt yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp, vừa có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học.
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình GDPT mới, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) đã có kế hoạch, lộ trình ôn tập cho trò. Chia sẻ của cô Tạ Thị Ngọc Tú – giáo viên nhà trường, học sinh Hà Nội vốn có thế mạnh ngoại ngữ. Đây cũng là môn học được cô trò nhà trường coi trọng nhiều năm nay. Giáo viên luôn hỗ trợ tối đa học sinh để có cơ hội phát huy năng lực ở các môn học yêu thích.
Phân tích sâu hơn về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tác động tới phương án xét tuyển đại học, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho rằng, so với hiện nay, số lượng tổ hợp giảm. Tính sơ bộ, với phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn sẽ tạo ra 36 tổ hợp môn. Tuy nhiên, học sinh cần sớm có thông tin chính thức về phương án xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học để chủ động chuẩn bị.
Đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay sẽ áp dụng phương án xét tuyển kết hợp và kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực. Nhà trường cũng có những điều chỉnh về các tổ hợp xét tuyển cho phù hợp Kỳ thi tốt nghiệp THPT, song việc điều chỉnh vẫn theo hướng giữ lại các tổ hợp truyền thống, căn bản.
Còn đại diện Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, với phương án thi 4 môn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, số tổ hợp xét tuyển hạn chế hơn. Khi nguồn tổ hợp từ điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, nhà trường có thể xem xét để sẽ giảm số chỉ tiêu xét bằng kết quả thi tốt nghiệp, tăng số chỉ tiêu xét bằng các phương thức khác như sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy…
Khi biết sớm cấu trúc mới, tổ hợp môn xét tuyển sinh của các trường đại học, trường phổ thông sẽ có phương án xây dựng, điều chỉnh tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn. Điều này vừa đáp ứng nguyện vọng, vừa giảm áp lực cho học sinh trong học tập, thi cử. – Thầy Vũ Đình Hà (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân)