Thay lời tri ân 2023: “Tôi chọn nghề giáo”

Tối 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2023 với chủ đề “Tôi chọn nghề giáo”.

Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình.

Sân khấu chương trình “Thay lời tri ân” 2023 chủ để “Tôi chọn nghề giáo”
Dự chương trình còn có đại diện một số Bộ, Ban, ngành. Đặc biệt, chương trình có sự hiện diện của 200 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
Lựa chọn nghề giáo là điểm khởi đầu trong hành trình vinh quang nhưng cũng đầy nhọc nhằn, gian khổ
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tình cảm cá nhân gửi tới các thầy cô giáo cán bộ quản lý giáo dục lời chúc tốt đẹp, lòng biết ơn chân thành đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục trên khắp mọi miền đất nước.
Ấn tượng với chủ đề của chương trình là “Tôi chọn nghề giáo”, Phó Thủ tướng cho rằng: Sự lựa chọn chính là điểm khởi đầu trong hành trình vinh quang nhưng cũng đầy nhọc nhằn, gian khổ của các thầy giáo, cô giáo.
Các đại biểu dự chương trình
Theo Phó Thủ tướng, quá trình hội nhập, phát triển của đất nước đã tạo ra rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Đứng trước những lựa chọn phong phú đó, nhiều người vẫn chọn nghề giáo cho dù biết rõ những khó khăn, thách thức đặc trưng của sự nghề giáo, như thu nhập không cao, điều kiện làm việc khó khăn, nhiều áp lực… Và thật đáng quý, khi nhiều học sinh giỏi, trong đó có những em đạt giải quốc gia, quốc tế vẫn quyết tâm lựa chọn học sư phạm, làm giáo viên. 
“Lựa chọn nghề giáo, không chỉ là sự dũng cảm, dấn thân mà trên hết là tình cảm yêu thương vô bờ bến đối với các em học sinh, đối với tương lai. Nếu không như vậy có lẽ các thầy, các cô không thể trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với các em nhỏ ở thôn bản xa xôi điểm trường heo hút, hay vượt qua bao tất bật lo toan cuộc sống tất bật hàng ngày nơi đô thị để vững tin trên bục giảng”, chia sẻ điều này, Phó Thú tướng đồng thời khẳng định: Điều đó đòi hỏi trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với nền giáo dục, với đội ngũ những người làm công tác giáo dục.
“Nghề giáo, nhà giáo cần nhận được sự tôn trọng đúng mức hơn của cả xã hội; sự tôn trọng không chỉ là những lời chúc, những bó hoa trong ngày 20/11, mà phải là nhận thức chung của cả xã hội dành cho nghề giáo, nhà giáo. Nhà giáo cần được tạo môi trường thuận lợi nhất có thể để yên tâm dạy học. Môi trường sư phạm ở các nhà trường, cơ sở đào tạo phải là môi trường tốt đẹp nhất, nhân văn nhất, nơi chỉ có niềm tin, tình yêu và những bài học làm người.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại chương trình
Muốn vậy, nhà giáo phải được đãi ngộ xứng đáng; điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học phải được ưu tiên, quan tâm đầu tư hơn nữa. Sắp tới, Chính phủ cùng với Bộ GDĐT chuẩn bị dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt trong chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024, chắc chắn nhà giáo sẽ được quan tâm ở mức cao nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho rằng: Cần có những ưu tiên đặc biệt với các trường sư phạm, sinh viên sư phạm, những người rồi đây sẽ lan tỏa hình ảnh và tấm gương cao đẹp của người thầy, truyền thụ kiến thức, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân – thiện – mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
“Đây là những trăn trở mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT và cả xã hội phải tìm ra lời giải bằng các cơ chế, chính sách mang tính căn cơ, bền vững để các thầy, các cô toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vinh quang”, Phó Thủ tướng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình
Nhận định chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” rất phù hợp với dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đồng thời thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT gửi tới toàn thể các nhà giáo, cựu giáo chức, các cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học lời chúc mừng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới toàn thể những người đã và đang chọn nghề dạy học làm sự nghiệp của mình, dù với bất cứ nhân duyên hay lý do nào; đồng thời ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của tất cả các cô giáo, thầy giáo, cả những điều đã được xã hội biết tới và những điều thầm lặng không ai biết tới.
“Ngày 20/11 là ngày tri ân các nhà giáo, như một đạo lý và nét đẹp văn hóa. Nhưng ngành Giáo dục và đào tạo cũng xác định, dịp 20/11 hàng năm là dịp mà toàn ngành bày tỏ và nói lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tới toàn thể phụ huynh, tới các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, tới toàn thể nhân dân, xã hội, với đời – bởi nhà giáo vinh dự có một nghề vinh quang và đang được đặc biệt quan tâm chăm chút, được coi là quốc sách hàng đầu và đột phá chiến lược để phát triển đất nước”, Bộ trưởng chia sẻ.
Những câu chuyện về lựa chọn nghề giáo và hành trình giữ trọn tình yêu với nghề
Chương trình “Thay lời tri ân” 2023 chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” là những câu chuyện của những thầy cô giáo từ bậc mầm non tới đại học với câu chuyện lựa chọn nghề giáo và hành trình để giữ trọn tình yêu, sự tâm huyết với “nghề mình đã chọn”.
2 thầy giáo mầm non ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ trong chương trình
Đó là những thầy giáo mầm non đến từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Trong số 17 thầy giáo mầm non của huyện Bá Thước có thầy đã gắn bó với công việc “tưởng chừng chỉ dành cho nữ” này được 33 năm. Theo thầy giáo, dù là nam giới nhưng với tâm huyết và luôn coi học sinh như con em mình thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua và làm tốt công việc của mình.
Đó là câu chuyện của cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà, giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), với những lời phê đầy yêu thương, khích lệ học trò trong từng bài kiểm tra, qua đó cô đã thổi vào tâm hồn học sinh niềm yêu thích đam mê đối với môn Văn một cách rất tinh tế, thông minh.
Tham gia chương trình, cô Hà chia sẻ: Từng là học trò, trong những năm đi học tôi bất ngờ khi nhận được bài kiểm tra của cô giáo. Ngoài những dòng chữa lỗi cho điểm là dòng chữ “Cố lên Hà nhé!”. Tôi đã nhận được yêu thương từ cô giáo và muốn mang yêu thương gửi đến học sinh của mình.
Cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà (áo dài đỏ) và học trò trên sân khấu chương trình
Hay còn là câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Như Yến, giáo viên Trường TH&THCS Lê Quý Đôn, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Cô Yến được biết đến là người mẹ có “đông con nhất”, bởi nhiều năm qua cô luôn dành tất cả tình yêu nghề, đón đưa học trò về nhà chăm sóc, dạy học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay tại chương trình là cuộc gặp gỡ giữa cô Nguyễn Thị Như Yến và cô giáo Đinh Thị A Nênh, giáo viên Trường TH&THCS Lê Lợi, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Cô giáo Đinh Thị A Nênh là học trò của cô Yến ngày nào và chính cô Yến với tình yêu với học trò đã truyền càm hứng cho cô giáo Đinh Thị A Nênh đi theo nghề giáo.
Tại chương trình, cô A Nênh đã gửi tặng cô giáo cũ chiếc khăn được dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na do cô A Nênh tự tay thực hiện. Trên chiếc khăn có dòng chữ “Thương cô Yến”. Đó là lời cảm ơn, lời chia sẻ mà cô A Nênh dành cho cô giáo thân thương của mình.
Cuộc gặp gỡ giữa hai cô giáo Nguyễn Thị Như Yến và cô giáo Đinh Thị A Nênh trên sân khấu chương trình
Chương trình còn kể câu chuyện về sự lựa chọn quê hương để trở về của TS Nguyễn Phi Lê, hiện đang công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội và đảm nhiệm vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI).
Từ chối lời mời làm việc tại Nhật Bản sau khi học xong tiến sĩ, TS Nguyễn Phi Lê mang theo tâm niệm “Về nước mình sẽ làm được nhiều việc hơn, giúp được nhiều hơn cho sinh viên”.
Chương “Thay lời tri ân” năm 2023 với chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” khép lại bằng gửi gắm của những người thầy đi trước với thế hệ trẻ đang và sẽ lựa chọn nghề giáo hôm nay; đó còn là niềm hy vọng về thay đổi, sự quan tâm tương xứng dành cho nghề giáo để mỗi người thầy có thể vững tâm với con đường mình đã lựa chọn.

20 Tháng Mười Một, 2023 | 12:17
Theo giaoducthoidai.vn