Thấu hiểu để giúp trò hứng khởi ngay đầu năm học
Khi quay lại trường học, nhiều học sinh đối mặt với khó khăn trong việc điều chỉnh lại thói quen, nền nếp học tập.
Học sinh Trường THCS Trần Quang Khải (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trong ngày khai giảng. Ảnh: Hoàng Vinh
Điều này cần sự thấu hiểu của thầy cô cũng như kỹ năng sư phạm để đồng hành, giúp các em nhanh vào nền nếp và lấy lại hứng khởi trong học tập.
Hiểu rõ khó khăn
Có nhiều học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, cô Nguyễn Thị Bích Huy – Trường Tiểu học & THCS Ea Trol (Phú Yên) cho biết: Trong hè, các em thường phải làm nhiều công việc phụ giúp gia đình. Những học sinh nam có sức khỏe thì theo bố đi rừng hoặc làm công nhật… Một số em năng nổ và thích hoạt động hơn thường tham gia các hoạt động Đoàn ở địa phương.
Chính vì thế, nhiều học sinh lãng quên sách vở, quên kiến thức, nhất là ở khối 6, 7. Bởi vậy, những ngày đầu năm học mới, các em thường bắt nhịp chậm, giáo viên phải nhắc nhở và rèn luyện thêm nhiều. Thậm chí, một số em có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Đối với học sinh đầu cấp, sự thay đổi về giáo viên, bạn bè, chương trình học cũng là những yếu tố gây khó khăn cho việc thích nghi.
Với đặc thù học sinh tiểu học, cô Trần Thị Bích Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, khó khăn nhất là học sinh thay đổi về thời gian biểu. Mùa Hè, được nghỉ ngơi thoải mái, khi bước vào năm học, học sinh bị thay đổi thói quen, chưa thích nghi kịp thời nên gây mệt mỏi về thể chất, chán nản về tâm lý.
Khó khăn thứ hai là về nhận thức. Trẻ tiểu học có đặc điểm nhớ nhanh nhưng quên nhanh. Do vậy, sau thời gian nghỉ hè, các em có thể quên một số kiến thức đã học, thậm chí các bạn lớp 1 còn quên cả chữ và các phép tính.
Khó khăn thứ ba là thay đổi thói quen các hoạt động trong ngày. Nếu nghỉ hè hoạt động vui chơi là chủ đạo, thì khi đi học sẽ chủ yếu là học tập nên thời gian đầu cũng gây tâm trạng mệt mỏi.
Không chỉ lứa tuổi nhỏ, học sinh THPT cũng có khó khăn tương tự. Theo thầy Trần Quang Tuấn – Bí thư Đoàn trường THPT Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), khi quay lại trường học, nhiều học sinh đối mặt với khó khăn trong điều chỉnh lại thời gian biểu học tập và thực hiện nội quy, quy định của nhà trường. Các em thường mắc lỗi ngủ quên, dẫn tới tình trạng vào học chậm, muộn. Nhiều học sinh còn mặc quần áo ở nhà tới trường…
Ngoài ra, sau một thời gian dài xa cách, học sinh có thể cảm thấy sự thay đổi trong các mối quan hệ. Có thể các em có những trải nghiệm mới, mối quan hệ mới dẫn đến thay đổi trong nhóm bạn hoặc cách thức giao tiếp, từ đó tạo nên cảm giác xa lạ, khó khăn khi hòa nhập lại với nhau. Đặc biệt, không ít em quay trở lại trường sau nghỉ hè gặp thử thách trong việc phục hồi khả năng học tập; có thể bị choáng ngợp về kiến thức mới và thiếu động lực trong học tập.
Cô trò Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ trong buổi học đầu tiên của năm học mới. Ảnh: NTCC
Giải pháp khơi hào hứng học tập
Trước những khó khăn trên, thầy Trần Quang Tuấn cho biết, Đoàn trường đăng lên Zalo, Facebook các lớp về nội quy, quy định; đồng thời cùng giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở nội quy thường xuyên, giúp học sinh nhanh chóng ổn định lại nền nếp học tập. Để kết nối và tạo dựng các mối quan hệ bạn bè, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn tất cả học sinh trong lớp tham gia vào các câu lạc bộ hoặc hoạt động tại trường.
Việc này giúp các em tự tin hơn trong xây dựng cũng như duy trì mối quan hệ bạn bè trong lớp. Với khó khăn về học tập, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đồng hành trong xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn các em từng bước tiếp cận với những đơn vị kiến thức nhỏ. Những bước này tưởng chừng rất đơn giản, nhưng thực hiện đúng cách sẽ mang lại hiệu quả cao.
“Với học sinh cần xây dựng lại lịch trình học tập hợp lý; thiết lập thời gian biểu rõ ràng, bao gồm học tập và nghỉ ngơi”, thầy Trần Quang Tuấn đưa lời khuyên.
Theo cô Nguyễn Thị Bích Huy, ổn định nền nếp học tập ngay từ đầu không chỉ giúp học sinh tập trung vào việc học, mà còn tạo tâm thế học tập tích cực, hiệu quả. Để làm được điều đó cần sự chung sức của hội đồng sư phạm. Cụ thể, giáo viên làm công tác chủ nhiệm kết hợp với các bộ phận khác của nhà trường cũng như địa phương vận động học sinh có nguy cơ bỏ học quay trở lại lớp kịp thời.
Ở trường, thầy cô phải thực sự gương mẫu trong thực hiện nền nếp để trò học tập, noi theo. Giáo viên bộ môn cần chú ý hướng dẫn học sinh lên kế hoạch và áp dụng phương pháp học tập hiệu quả. Những bài học đầu tiên nên thiết kế thực sự nhẹ nhàng, tạo cho người học tâm thế thoải mái, không áp lực, không lo lắng.
Ở góc độ quản lý, cô Trần Thị Bích Hạnh cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phù hợp tình hình thực tế, quán triệt giáo viên nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ khi học sinh trở lại trường; chỉ đạo Liên đội tổ chức các hoạt động tập thể đa dạng. Thầy cô được lưu ý chưa vội đưa ngay học sinh vào “khuôn khổ”, mà phải thực hiện một cách linh hoạt, dần dần để các em thích nghi; phối hợp với phụ huynh uốn nắn các em vào thời gian biểu mới.
Với học sinh bị quên về kiến thức, thầy cô cần tận dụng các tiết học tăng cường để ôn tập lại. Linh hoạt đưa ra hình thức ôn tập sáng tạo để không gây tâm lý chán nản như: Tổ chức trò chơi học tập, sử dụng các phần mềm giao bài, chữa bài. Thường xuyên tổ chức các hoạt động “Học mà chơi, chơi mà học” để cuốn hút học sinh tham gia; từ đó các em có hứng thú, tích cực với các hoạt động của lớp, trường.
Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau khai giảng. Tổ chức cho học sinh học tập về truyền thống nhà trường, nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Sở GD&ĐT cũng lưu ý việc tổ chức tốt “Tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học” và các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương.
Hiếu Nguyễn