Tham vấn về chính sách đối với GD Mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp
Sáng 15/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp.
Tham vấn chuyên gia về chính sách đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp .
Quan tâm tạo sự đổi thay
Theo bà Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT, đến nay các cơ sở GDMN ngoài công lập đã góp phần đáng kể trong việc huy động trẻ đến trường, giảm gánh nặng cho các trường công lập, đặc biệt ở các địa bàn các thành phố lớn, địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất. Có 5.172.450 trẻ em tới trường, lớp, đạt tỷ lệ 70.4% (trẻ nhà trẻ 32.1%, trẻ mẫu giáo 93.1%); trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường duy trì 99.7%.
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên mầm non (GVMN) ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bộ GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN.
Tuy nhiên, do nhu cầu cao về lao động ở một số tỉnh, thành phố phát triển nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), dẫn tới gia tăng dân số cơ học, kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân.
Bà Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN phát biểu tại Hội thảo.
Bộ GD&ĐT và các địa phương đã tổ chức tuyên truyền về các nội dung chính sách, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai việc thực hiện chính sách đúng quy định.
Tính đến hết năm học 2022-2023 (tháng 5 năm 2023), tại 51 tỉnh/thành phố thực hiện chính sách có 5.577 GVMN đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Số tiền đã chi trả là ước tính gần 30 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ kịp thời giúp GVMN có thêm thu nhập để yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng GDMN ở địa bàn có KCN, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân.
Kiến nghị từ thực tế
Từ thực tế triển khai với những khó khăn và thuận lợi, các đại biểu kiến nghị: Chính phủ xem xét ban hành các quy định đặc thù trong việc ưu đãi về thuế, cho thuê đất (thời gian dài) và tài sản công để thực hiện chính sách xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư phát triển GDMN ở địa bàn có KCN, nơi tập trung nhiều lao động.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các giải pháp về chính sách tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động theo quy định tại Điều 81 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động và thực hiện tốt các chính sách phát triển GDMN theo quy định tại Nghị định số 105.
Từ thực tế triển khai tại địa phương, các đại biểu đưa ra kiến nghị.
Các Bộ, ngành xem xét trình Chính phủ bổ sung quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư công theo hướng ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở GDMN tại KCN, khu vực đông dân cư, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc sử dụng một phần kinh phí trích từ nguồn thu của KCN để tái đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non, đẩy mạnh phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại KCN.
Các đại biểu cũng kiến nghị đôn đốc tổ chức Công đoàn trong các công ty, nhà máy xí nghiệp quan tâm thực hiện chính sách “Tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động”. Hướng dẫn xây dựng mô hình truyền thông tư vấn làm cha mẹ trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
Đặc biệt trong đó có sự quan tâm tới đối tượng cha mẹ trẻ là công nhân làm việc tại các KCN, KCX. Kiến nghị Ban lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động, hỗ trợ cho con công nhân học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập. Thực hiện chính sách đối với GDMN ở địa bàn có KCN, nghiên cứu tham mưu bổ sung chính sách đảm bảo đúng quy định, kịp thời và công bằng, không bỏ sót đối tượng.
Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 212 đơn vị cấp huyện có KCN, KCX được thành lập với 14.204 cơ sở GDMN (3.175 trường công lập, 1.991 trường ngoài công lập và 9.038 cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập). Các cơ sở này huy động hơn 1,7 triệu trẻ em (64,1% tại trường công lập, 18% tại trường ngoài công lập, 17,8% tại cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập) trong đó đa số trẻ em con công nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập.