Thái Nguyên đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong trường học
Mô hình giáo dục STEM được triển khai tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giúp học sinh tiếp cận những kỹ năng mới, thúc đẩy NCKH.
Thái Nguyên đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong trường học.
Trang bị cho giáo viên những kỹ năng dạy STEM
Mô hình giáo dục STEM trong trường học bao gồm dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm và các hoạt động nghiên cứu khoa học. Giáo dục STEM giúp các học sinh hình thành và phát triển 4 kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, việc triển khai phương pháp giáo dục STEM là hướng đi cần thiết và phù hợp.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chương trình giáo dục STEM, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện theo định hướng của Bộ GD&ĐT; thực hiện dạy học tích hợp liên môn; chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về các hoạt động giáo dục STEM trong trường học… góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện của các nhà trường.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị chuyên đề giáo dục STEM cấp tỉnh.
Tại Hội nghị chuyên đề giáo dục STEM cấp tỉnh tổ chức ngày 12/3/2024, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đánh giá cao sự nỗ lực của các thầy cô và nhà trường. Đồng thời nhấn mạnh: Các chuyên đề dạy học STEM cần được giáo viên triển khai theo đúng quy trình, có tính ứng dụng thực tế cao. Mỗi giờ học STEM phải hiện thực hóa việc học đi đôi với thực hành, kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong hoạt động dạy học ở nhà trường, hiểu đúng, đủ, sâu về giáo dục STEM và phát huy vai trò của hoạt động giáo dục này.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, 100% các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện giáo dục STEM dưới dạng chủ đề, giúp học sinh làm quen, thực hiện những sản phẩm từ kiến thức đã học để ứng dụng vào thực tế. Trong năm học 2022-2023 đã có khoảng 6380 tiết học STEM được thực hiện với hơn 12.700 sản phẩm tạo ra qua các tiết học.
Các trường học đã chủ động thực hiện theo định hướng phù hợp điều kiện thực tế địa phương, khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục; cùng đó, đa dạng hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động trải nghiệm thông qua câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật; không gian trải nghiệm, góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên nhà trường. Các hoạt động nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức câu lạc bộ STEM – Robotics… |
Tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Tại trường THCS Quang Trung, để giáo dục STEM thực sự hiệu quả, nhà trường đã lồng ghép triển khai các tiết học STEM đồng thời chủ động liên hệ với các chuyên gia thuộc các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Toán,… nhằm hỗ trợ giáo viên và học sinh các nội dung liên quan đến giáo dục STEM và thực hiện các sản phẩm STEM.
Cùng với đó, các hoạt động trải nghiệm được nhà trường tổ chức, tạo cơ sở ban đầu để lan tỏa mô hình giáo dục STEM trong đội ngũ giáo viên từ đó sẽ ủng hộ và tạo điều kiện cho các em học sinh “Khơi nguồn sáng tạo” với hoạt động nghiên cứu KH – KT.
Cô Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung cho biết: Ngày hội trải nghiệm STEM của trường thu hút đông đảo học sinh các khối lớp tham gia. Đây là sân chơi bổ ích, lý thú, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao tinh thần hợp tác, rèn luyện kỹ năng sống theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Học sinh trường THCS Quang Trung hào hứng tham gia Ngày hội STEM năm học 2023 – 2024.
Theo đó, học sinh được trải nghiệm các hoạt động như: Chế tạo đèn năng lượng mặt trời, Chế tạo nỏ thần liên châu; làm quen với robot, cách lắp ráp robot cơ bản, khởi động bo mạch tự động… Từ hoạt động này, các em phát triển các kĩ năng, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát triển năng lực của bản thân.
Đồng thời, nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn của cuộc sống. Điển hình là những dự án: Thiết kế chế tạo rô bốt thông minh “nội soi” đường ống; Thiết kế chế tạo máy bay bắn bóng chữa cháy;…
Giáo dục STEM đã tạo môi trường để học sinh giao lưu, học hỏi, thỏa sức sáng tạo, trau dồi kỹ năng giao tiếp, từ đó cố gắng học tập. Đặc biệt, qua các hoạt động, trải nghiệm, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, phát triển phẩm chất, năng lực đúng định hướng Chương trình GDPT 2018.
Hoàng Anh