Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT

Một trong số nội dung được quan tâm triển khai trong năm học 2023-2024 là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong GD-ĐT

Ngay từ đầu năm học 2023 – 2024, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.

Theo đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành như: trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; trách nhiệm quản lý của người đứng đầu cơ sở giáo dục;

Công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, và thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên; triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018;

Tổ chức tuyển sinh đầu cấp; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT; việc dạy thêm, học thêm; thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; dạy học ngoại ngữ, tin học; hoạt động liên kết đào tạo, phối hợp dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề trong các cơ sở giáo dục thường xuyên;

Việc quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách; thực hiện quy định về công khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Các sở GD&ĐT cũng đã xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, có trọng tâm, trọng điểm, rõ thời gian, nội dung, đối tượng thanh tra, đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp; ban hành văn bản hướng dẫn các Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục thực hiện công tác kiểm tra theo các nhiệm vụ trọng tâm năm học.

506 cuộc thanh tra được các sở GD&ĐT thực hiện

Trong năm học 2023 – 2024, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 đối với một số sở GD&ĐT và trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các sở GD&ĐT đã tổ chức 506 cuộc thanh tra (giảm 208 cuộc so với năm học trước), trong đó có 156 cuộc thanh tra hành chính, 350 cuộc thanh tra chuyên ngành và 2.491 cuộc kiểm tra (tăng 193 cuộc so với năm học trước).

Có 8 sở GD&ĐT tổ chức thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc qua đơn thư, báo chí phản ảnh hoặc theo yêu cầu quản lý.

8 sở GD&ĐT thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 45 đơn vị/tổ chức vi phạm, tổng số tiền xử phạt 689 triệu đồng. Nội dung sai phạm liên quan đến việc tuyển sinh, thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người học không đúng quy định; vi phạm của các trung tâm ngoại ngữ; việc mua và sử dụng văn bằng không hợp pháp; tổ chức các khoản thu chi không đúng quy định và thành lập cơ sở giáo dục mầm non trái phép.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, xử lý đơn kiến nghị, đơn phản ánh được chú trọng, quan tâm, thực hiện.

Trong năm học 2023 – 2024, các sở GD&ĐT đã tiếp 543 lượt công dân (tăng 161 lượt so với năm học 2022 – 2023) và nhận được 2.249 đơn (tăng 278 đơn so với năm học 2022 – 2023), trong đó có 1.050 đơn không đủ điều kiện, 388 đơn thuộc thẩm quyền đã được giải quyết; 1.368 đơn không thuộc thẩm quyền đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; có 11 đơn thư kéo dài đã được giải quyết (tăng 7 đơn so với năm học 2022 – 2023).

Riêng đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi; phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện các tài liệu điện tử hướng dẫn nghiệp vụ ở tất các cả khâu của Kỳ thi, Sổ tay nghiệp vụ…; huy động 8.000 người là cán bộ, viên chức của các cơ sở giáo dục đại học, công chức các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và công chức, cộng tác viên thanh tra giáo dục của 63 Sở GD&ĐT tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi.

Các địa phương đã huy động khoảng 10.000 cán bộ công chức, viên chức tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi như chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp.

Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra đã được các sở GD&ĐT tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị tại Điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam.
Năm học 2023 – 2024, có 33 sở GD&ĐT đã tổ chức được 82 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, 30 sở GD&ĐT không kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.
Việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận thanh tra đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.
Các kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra của Bộ GD&ĐT được Thanh tra các sở GD&ĐT theo dõi và đôn đốc thực hiện, có báo cáo theo quy định. Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã phát hiện những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong quản lý và kịp thời kiến nghị xử lý vi phạm, đề xuất các biện pháp khắc phục, góp phần phòng ngừa, chấn chỉnh vi phạm, duy trì kỷ cương, nền nếp trong tổ chức và hoạt động giáo dục.
Khó khăn nhân lực
Về tồn tại, hạn chế trong công tác này, Bộ GD&ĐT cho biết, một số quy định pháp luật về công tác thanh tra chuyên ngành còn chồng chéo, hết hiệu lực dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức và hoạt động thanh tra của các Sở GD&ĐT.
Số lượng cán bộ, công chức làm công tác Thanh tra một số Sở GD&ĐT chưa đảm bảo biên chế theo Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ).
Điều kiện bảo đảm, chế độ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và đội ngũ tham gia làm công tác thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là chế độ cho những người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi.
Một số sở GD&ĐT còn chưa thực hiện đầy đủ chế độ cho công chức làm công tác tiếp công dân theo quy định tại Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Sổ tiếp công dân chưa theo quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân.
Năm học 2023 – 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều Quyết định thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục. Theo đó, việc kiểm tra cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, trung tâm ngoại ngữ, tin học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục được lồng ghép trong các cuộc kiểm tra của Bộ GD&ĐT đối với một số sở GD&ĐT.
Qua kiểm tra, các hạn chế, thiếu sót, vi phạm về nội dung kiểm tra đã được nêu rõ trong các Thông báo kết quả kiểm tra của Bộ GD&ĐT để các sở GD&ĐT chỉ đạo tập thể, cá nhân khắc phục, xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Hải Bình

19 Tháng Tám, 2024 | 12:01