Tâm huyết và trách nhiệm lựa chọn sách giáo khoa
Để triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2024 – 2025, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới ở các môn học, hoạt động giáo dục.
Giáo viên Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) lựa chọn sách giáo khoa lớp 5. Ảnh: TG
Danh mục bao gồm 41 sách giáo khoa lớp 5; 48 sách giáo khoa lớp 9 và 39 sách giáo khoa lớp 12.
Bộ cũng ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT (thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông làm căn cứ để các địa phương, nhà trường tổ chức lựa chọn sách. Điểm mới của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT là nhà trường được lựa chọn sách giáo khoa. Trước đó việc lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng phê duyệt, quyết định.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị giới thiệu SGK mới cho hơn 55 nghìn cán bộ và giáo viên dự kiến dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12 năm học 2024 – 2025. Hội nghị giúp cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận, nắm được cấu trúc, nội dung các SGK được phê duyệt; đồng thời, cung cấp thông tin về SGK để có cơ sở lựa chọn theo Thông tư số 27/2023/TT- BGDĐT.
Ngay sau khi nhận được ba bộ sách giáo khoa mới: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều, Ban giám hiệu Trường THCS Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) đã tổ chức cho các giáo viên dự kiến tham gia dạy lớp 9 năm học tới nghiên cứu, thảo luận và sau đó dạy mẫu một số tiết, nhằm lựa chọn những cuốn sách phù hợp với học sinh.
Cô Vũ Khánh Phượng – Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị cho hay, việc lựa chọn SGK là quyền lợi, trách nhiệm lớn của các trường. Nhà trường sẽ đặc biệt lưu ý giáo viên về trách nhiệm cũng như quy trình từng bước trong việc lựa chọn SGK mới ở lớp 9 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Còn theo cô Đỗ Thị Thu Hương – giáo viên Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh), sau buổi nghe giới thiệu sách giáo khoa lớp 5, bản thân cùng các đồng nghiệp có kế hoạch sắp xếp thời gian để tự nghiên cứu, tìm hiểu, tìm ra những ưu điểm ở từng cuốn sách. Trong quá trình nghiên cứu, giáo viên quan tâm đến những cuốn sách có thể phát huy hiệu quả với điều kiện dạy học ở trường và phù hợp với học sinh, giúp các em phát huy năng lực tốt nhất.
“Mỗi buổi tập huấn, giáo viên được tương tác trực tiếp với tác giả viết sách, hiểu thêm nhiều nội dung, kiến thức, đồng thời vạch ra những điều cần làm, mục tiêu cần đạt. Tôi mong có thêm thật nhiều buổi tập huấn, để giáo viên được giải đáp thắc mắc, thực hiện nội dung giảng dạy theo đúng tinh thần của Chương trình mới”, cô Hương nói.
Nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 để sử dụng từ năm học 2024 – 2025, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, nhất là những điểm mới về trách nhiệm và quy trình lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm triển khai nghiêm túc, minh bạch, công bằng và bảo đảm tiến độ công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt trước ngày 30/4.
Dù quy trình lựa chọn sách giáo khoa mới năm học 2024 – 2025 khác so với năm học 2023 – 2024, nhưng việc lựa chọn trước hết phải bảo đảm nguyên tắc sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt; dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại các trường.
Vân Anh