Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập pháp luật về BHXH
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án LuậtBHXH (sửa đổi) – Ảnh: VGP/ĐH
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện được kết cấu gồm 9 chương với 136 điều, quy định về chế độ, chính sách BHXH, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung; quản lý nhà nước về BHXH; tổ chức thực hiện BHXH; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với BHXH; trình tự, thủ tục thực hiện BHXH; quỹ bảo BHXH; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH.
Gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH
Tờ trình về dự án Luật do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trình bày cho biết, mục tiêu xây dựng luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người. Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn. Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Quan điểm xây dựng luật là: Bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bổ sung những quy định mới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật đó là: Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát 5 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15. Tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực BHXH. Rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014. Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực BHXH để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản.
Đề xuất 2 phương án liên quan đến vấn đề hưởng BHXH một lần
Về vấn đề hưởng BHXH một lần, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 77, cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau:
Cụ thể, nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Ưu điểm là dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần trong thời gian qua. Theo dữ liệu thống kê thời gian qua thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều, nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng BHXH một lần so với giai đoạn vừa qua, tiến tới tiếp cận theo thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Nhược điểm là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực; đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ưu điểm của phương án này là đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia); người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn; người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.
Nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo Luật BHXH và thông lệ quốc tế. Người lao động không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi; đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.
Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý một số nội dung lớn, đó là Luật BHXH phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH.
Các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn.
Cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, dư luận xã hội.
Ủy ban Xã hội khẳng định, dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật và quy định các nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách BHXH đặc thù.
Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ chưa bảo đảm theo đúng quy định; Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Báo cáo việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ; chưa có giải trình, thuyết minh, thông tin dữ liệu liên quan đến các chính sách, nhất là các chính sách mới, quy định phát sinh so với đề xuất xây dựng dự án Luật;…
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ