Sẵn sàng cho năm học đặc biệt

Năm học 2024 – 2025 là gạch nối giữa hai giai đoạn đổi mới giáo dục ở phổ thông.

Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, khép lại một chu trình với việc Chương trình GDPT 2018 phủ kín tất cả khối lớp và thực hiện tổng kết, đánh giá toàn diện triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Đây cũng là năm học đánh dấu 2 kỳ thi đầu tiên rất quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018; kéo theo đó là những thay đổi phù hợp trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, trong năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục sẽ có nhiều việc lớn để làm. Trên phương diện chính sách vĩ mô là xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT, các địa phương nhằm triển khai Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW một cách bài bản, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Cùng với đó là xây dựng Luật Nhà giáo; các Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đổi mới chương trình giáo dục mầm non; rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho tiếp tục thực hiện đổi mới GD-ĐT.

Công việc chuyên môn, năm học này sẽ tập trung chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới; tiếp tục các giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12 và tiếp tục thực hiện tự chủ đại học…

Những khó khăn mà ngành Giáo dục phải đối mặt trong năm học 2024 -2025 đều là vấn đề không mới; liên quan các điều kiện bảo đảm chất lượng như đội ngũ nhà giáo (đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non, giáo viên các môn học mới ở phổ thông); cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và nguồn lực tài chính cho giáo dục…

Rất nhiều giải pháp, cả dài hơi và ngắn hạn được đặt ra trong Kết luận 91 và văn bản triển khai nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, các địa phương. Nhưng vấn đề căn cốt để ngành Giáo dục khắc phục những khó khăn dai dẳng và bứt phá về chất lượng chính là các cấp cần nhận thức đúng về vai trò của GD-ĐT; quán triệt sâu sắc và đưa chủ trương “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu” thành hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó, vai trò của địa phương vô cùng quan trọng.

Bộ GD&ĐT từng nhiều lần nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành Giáo dục thì ở đó chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt. Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW trước năm học mới, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng với đổi mới giáo dục là tiền đề, đường hướng để toàn ngành tiếp tục kiên định mục tiêu đổi mới.

Thời điểm này, ở mỗi nhà trường, địa phương, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Với phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể – Thầy cô giáo là động lực – Nhà trường làm bệ đỡ – Gia đình là điểm tựa – Xã hội là nền tảng”, chúng ta chào đón năm học 2024 – 2025 với nhiều nhiệm vụ và kỳ vọng lớn, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ năm học. Từ đó, khép lại trọn vẹn một chu kỳ nhiều dấu ấn và làm nền tảng cho một chu kỳ mới tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện nhưng đi vào chiều sâu chất lượng.

Thảo Đan

5 Tháng Chín, 2024 | 15:27
Theo giaoducthoidai.vn