Quận Đống Đa kiến nghị ưu tiên quỹ đất để mở rộng và xây mới các trường công lập
Sáng 7/9, Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, do đồng chí Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND quận Đống Đa về công tác tuyển sinh đầu cấp; xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn.
Đoàn khảo sát đi thực tế tại Trường THPT Lê Quý Đôn
Trên địa bàn quận Đống Đa hiện có 88 trường/21 phường, trong đó, cấp Mầm non có 39 trường, cấp Tiểu học có 24 trường, cấp THCS có 19 trường và 6 trường THPT.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quận Đống Đa về triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường phổ thông trên địa bàn, các trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, thời gian thực hiện, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ năng lực và đủ số lượng, phân công rõ nhiệm vụ của từng cá nhân hoặc bộ phận trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong quận làm tốt công tác tuyên truyền về kế hoạch tuyển sinh, các quy định tuyển sinh năm học 2023-2024 để nhân dân và học sinh được biết, đăng ký tuyển sinh đầu cấp; Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp; Kịp thời giải đáp những khó khăn của phụ huynh học sinh trong quá trình tuyển sinh.
Trong kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024, quận đã tuyển sinh 12.095 học sinh ở các cấp học. Trên địa bàn quận không có trường có tỷ lệ tuyển sinh vượt nhiều so với chỉ tiêu; không có trường có số học sinh/lớp cao.
Công tác xây dựng, công nhận trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Quận đã chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc kiểm định chất lượng giáo dục; đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xây dựng và công nhận mới, công nhận lại trường chuẩn quốc gia ở các cấp học trên địa bàn. Tính đến tháng 7/2023, toàn quận có 42/63 trường (mầm non, tiểu học, THCS) đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,67%. Tổng số trường THPT công lập trên địa bàn quận đạt chuẩn quốc gia là 4/6 trường (đạt tỷ lệ 66,67%). Năm 2023, quận phấn đấu công nhận mới 05 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non Đống Đa, tiểu học Trung Phụng, tiểu học Kim Liên, tiểu học Đống Đa, THCS Trung Phụng); Công nhận lại 02 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non Láng Thượng, mầm non Hoa Hồng).
Đoàn khảo sát đi thực tế tại Trường Tiểu học Thái Thịnh
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, theo lãnh đạo quận Đống Đa, việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn quận hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do diện tích một số trường nhỏ, hẹp, thiếu phòng học chức năng/phòng học bộ môn, diện tích phòng học không đảm bảo… không đáp ứng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành, khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, một số trường do không thể đầu tư bổ sung (vướng quy hoạch, một số hạng mục mới cải tạo, không đủ nguồn lực, diện tích đất không đủ,…) dẫn đến khó khăn trong việc công nhận lại.
Về việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, phổ thông trên địa bàn, lãnh đạo quận khẳng định, việc đầu tư cho giáo dục đào tạo luôn được quận Đống Đa ưu tiên coi trọng, với nguồn đầu tư lớn từ ngân sách cũng như công tác xã hội hóa cho giáo dục luôn được đẩy mạnh, quy mô trường lớp cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong quận, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thường xuyên được đầu tư, nâng cấp sửa chữa và bổ sung, chất lượng đội ngũ giáo viên của các bậc học đều đạt chuẩn và trên chuẩn.
Tuy nhiên, là quận trung tâm của Hà Nội, với dân số cơ học tăng nhanh nên dẫn đến tình trạng quá tải số lượng học sinh đến lớp. Trong khi đó, quy hoạch đất dành cho giáo dục còn thiếu nhiều so với nhu cầu, diện tích đất nhiều trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng, xây trường mới rất khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư lớn nhưng số lượng trường chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khu vực ngoài công lập còn nhiều hạn chế; vẫn còn thiếu 04 trường tiểu học và 06 trường THCS trên địa bàn quận.
Để khắc phục những hạn chế trên, UBND quận Đống Đa kiến nghị Thành phố xem xét ưu tiên quỹ đất cho giáo dục để có điều kiện mở rộng và xây mới các trường công lập, tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác xây dựng trường học theo đúng quy định. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng. Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đảm bảo có đủ chỗ đạt chuẩn cho học sinh mầm non, phổ thông. Với các quận nội thành, diện tích của quận, phường nhỏ hẹp nên tiêu chí mỗi phường có ít nhất 01 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường trung học cơ sở rất khó thực hiện.
Quang cảnh buổi làm việc
Trao đổi tại buổi khảo sát, đại biểu HĐND Thành phố cho rằng quận rất chú trọng, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, trong đó Thường trực HĐND quận đã tổ chức phiên giải trình về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thành viên đoàn khảo sát cũng quan tâm đến các nội dung như kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp trường học để đạt chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia; rà soát lại số liệu trường học, tổng thể quy mô; việc đầu tư cho giáo dục và chất lượng giáo dục của quận; chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà; giải pháp để phát triển đồng bộ chất lượng giáo dục; công tác tuyển sinh đầu cấp; việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên ghi nhận những kết quả của quận Đống Đa đã đạt được trong công tác tuyển sinh đầu cấp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và cải tạo, xây mới trường học.
Ghi nhận ý kiến, đề xuất của quận, đồng chí Phạm Quí Tiên đề nghị Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND Thành phố tổng hợp vào báo cáo chung, trong đó, đặc biệt chú ý những kiến nghị về cơ chế chính sách để thực hiện ngay và những chính sách lâu dài. Đề xuất Thành phố cơ cấu về quỹ đất để xây dựng trường học công lập. Với những dự án chậm triển khai, đề nghị thu hồi để đầu tư xây dựng trường học.
Đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Liên quan đến việc đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia, đồng chí Trưởng đoàn khảo sát đề nghị quận Đống Đa rà soát theo hướng chuẩn hoá tất cả các điểm theo quy hoạch để có bức tranh tổng thể về quy hoạch mạng lưới giáo dục, trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, kiến nghị với Thành phố phân cấp lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn.
Trước khi làm việc với UBND quận, Đoàn khảo sát đã đi thực tế tại Trường Tiểu học Thái Thịnh và Trường THPT Lê Quý Đôn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội