Phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường
Ngày 23/8, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (hàng đầu thứ 8 từ trái qua) và ông Dương Anh Đức (hàng đầu thứ 7 từ phải qua) trao Bằng khen của UBND TPHCM cho các tập thể.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ
Trong năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT đã đạt được những thành tích ấn tượng. Cụ thể tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đối số, hoàn thành cơ bản cơ sở dữ liệu ngành. Đây là tiền đề bắt buộc để triển khai chuyển đổi số tiếp theo.
Năm học 2022-2023, TPHCM lần đầu tiên tuyển sinh trực tuyến, trong đó thí điểm tuyển sinh dựa trên bản đồ GIS tại quận Tân Bình, quận 8 và TP Thủ Đức. Việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới đã hạn chế dữ liệu ảo, việc tuyển sinh được thuận lợi. Đồng thời tổ chức mô hình lớp học số tại 2 trường trong điều kiện khó khăn trong tuyển dụng giáo viên.
Trong năm qua, ngành giáo dục tiếp tục triển khai hệ thống quản lý học tập LMS, đặt học sinh vào vị trí trung tâm giúp học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, hướng đến phát triển năng lực cá nhân.
Đồng thời, đây cũng là năm học TPHCM đặt nhiệm vụ trọng tâm nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học theo nhiều mô hình dạy 2 buổi/ngày, ngoại khoá, chương trình nhà trường. Với sự đầu tư như trên, trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, TPHCM có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước với 6, 4 điểm. Kết quả này đã duy trì trong 7 năm gần đây.
Tiết học của trẻ Trường mầm non 19 Tháng 5 (quận 12, TPHCM).
TPHCM tiếp tục đầu tư xây dựng trường học mới, đẩy mạnh trường chất lượng cao, tiến tiến hội nhập quốc tế. Đây cũng là năm được xác định sự trọng tâm của đổi mới. Trong đó mục tiêu xây dựng những ngôi trường hạnh phúc trong đó học sinh vui khi đến trường, đó là mái nhà chung khi thầy trò cảm thấy thích khi đến trường. Ngôi trường này không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy văn hoá. Đây cũng là năm triển khai việc xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh trong trường học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, ngân sách dành cho giáo dục tại luôn được ưu tiên xem xét tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, ngành giáo dục và đào tạo đang đứng trước nhiều khó khăn.
Ông Hiếu cho biết: “Tiến độ xây dựng trường lớp dù được quan tâm, song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển hiện nay do tình hình tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018”.
Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và biểu dương những thành tích của ngành GD&ĐT TPHCM đã đạt được trong năm học vừa qua.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, TPHCM luôn coi phát triển GD&ĐT là nhiệm vụ ưu tiên, quan tâm nâng cao chất lượng. Trong đó chú trọng giáo dục toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản GD&ĐT.
“Năm học 2022 – 2023 ngành giáo dục TPHCM đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023 của thành phố là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” và chủ đề của ngành giáo dục là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong năm học 2023-2024, cùng với triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, ngành giáo dục TPHCM cần tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về GD&ĐT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường.
Cùng với đó là tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học, quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường một cách phù hợp và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, đặc biệt các nguồn lực xã hội hóa. Quan tâm đến các đối tượng chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Trao khen thưởng cho các tập thể.
Ngoài ra, ngành giáo dục TPHCM cần tích cực triển khai tuyển dụng số biên chế được giao theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Trong công tác xây dựng xã hội học tập, UBND TPHCM và các Sở ban ngành liên quan cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp và có những giải pháp thúc đẩy xây dựng các mô hình học tập, trong đó có việc xây dựng “Đơn vị học tập” cấp thành phố, cấp quận, huyện trên địa bàn; hưởng ứng tốt Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đặc biệt, chú trọng đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT, tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM trao bằng khen cho 135 tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Ông Dương Anh Đức phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị ngành GD&ĐT tập trung 3 mục tiêu quan trọng gồm: Thứ nhất, xây dựng môi trường giáo dục tử tế, phát triển mô hình trường học hạnh phúc. Thứ hai, có giải pháp hài hòa giữa việc xây dựng trường học chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế nhưng vẫn đảm bảo công bằng, kéo giảm khoảng cách về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo, đảm bảo con em thành phố đều được cung cấp môi trường và dịch vụ học tập tốt nhất. Thứ ba, phát triển chất lượng giáo dục theo hướng thực chất thông qua kiểm định chất lượng giáo dục và kết quả các kỳ thi của học sinh.
Nguồn: Báo Giáo dục &Thời đại