Nóng trong tuần: Đánh giá việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa
UBTV Quốc hội làm việc với Chính phủ về đổi mới chương trình, SGK mới; chính sách quan tâm tới nhà giáo là thông tin nổi bật tuần qua.
Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT làm việc với Chính phủ.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GD phổ thông 2018
Một trong những thông tin giáo dục đáng chú ý trong tuần qua là Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT làm việc với Chính phủ vào ngày 27/7.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH 13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo một số vấn đề lưu ý qua giám sát nội dung này.
Về kết quả bước đầu, báo cáo của Chính phủ đánh giá, hệ thống văn bản được ban hành đã tương đối bao quát toàn bộ các mặt, lĩnh vực để bảo đảm yêu cầu đổi mới. Công tác chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, địa phương cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, báo cáo cũng làm rõ các tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này. Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng được chỉ rõ trong báo cáo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ đồng tình với các số liệu, kết quả, đánh giá, nhận định mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã nêu. Theo Phó Thủ tướng, Đoàn giám sát đã làm việc toàn diện, cụ thể, các số liệu thận trọng, những nhóm nội dung đặt ra đều là những vấn đề nổi bật trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành nghiêm túc nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân của những việc đã thành công, chưa thành công, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Trong quá trình hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, Chính phủ sẽ cùng các Bộ, ngành làm rõ hơn các câu hỏi về một số vấn đề đặt ra.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng đoàn giám sát, đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung, nhiệm vụ để bảo đảm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nội dung đề xuất xoay quanh một số nội dung quan trọng liên quan đến đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất; kinh phí; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK; công tác chỉ đạo và kiểm tra việc phối hợp triển khai thực hiện của các Bộ, các địa phương; rà soát cơ chế, chính sách, hoàn thiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện…
Cần những chính sách ưu tiên để động viên giáo viên.
Nhiều chính sách quan tâm đến đội ngũ nhà giáo
Chiều 28/7, tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ liên quan đến chính sách nhà giáo.
Chia sẻ một số khó khăn của lực lượng giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục, Bộ trưởng cho rằng những chính sách cần phải có ưu tiên nhiều hơn để động viên được giáo viên, nhất là với những giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, xem xét vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non…
Ngoài ra, Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó sẽ lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để tăng cường động viên, ghi nhận đối tượng này.
Bộ trưởng cũng mong Công đoàn, chính quyền các địa phương lưu ý: Hiện nay cả nước có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia bảo hiểm xã hội. Đây cũng là một vấn đề xã hội rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ này.
Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Sơ kết kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2018-2025.
Bộ GD&ĐT tổ chức một số hội nghị quan trọng
Ngày 24/7, Cụm thi đua số 5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị Cụm thi đua số 5 cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn cho giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018, quan tâm tới công tác xây dựng trường học an toàn, lành mạnh và thân thiện để các em học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Cụm cũng quan tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể để hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 20230” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động.
Cũng trong tuần qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2018-2025 (Quyết định số 1677/QĐ-TTG) và triển khai Quyết định số 1609/QĐ-TTG góp ý dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm phổ cập GDMN.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh, nhấn mạnh: Thực hiện đề án của Chính phủ, bên cạnh việc triển khai các cơ chế, chính sách, các địa phương cần quan tâm, coi trọng công tác tuyên truyền cho cha mẹ trẻ hiểu để phối hợp tích cực với nhà trường, với ngành giáo dục đảm bảo môi trường tốt cho sự phát triển của trẻ giai đoạn đầu đời. Chương trình GDMN cần có những bước đi bài bản liên thông với Chương trình GDPT 2018.
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV.
Trong 2 ngày 27 và 28/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2023 – 2024.
Nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV, nhất là trong giai đoạn ngành Giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng môi trường học đường an toàn, xanh – sạch – đẹp.
Định hướng kế hoạch trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng, mỗi cán bộ quản lý giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác HSSV phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Mỗi cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên phải đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập.