Nỗ lực nâng cao công tác xóa mù chữ tại huyện miền núi Thừa Thiên – Huế
Công tác xóa mù chữ cho bà con người dân tộc thiểu số tại huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày càng được chú trọng và nâng cao
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến làm việc, khảo sát, đánh giá việc thực hiện công tác xóa mù chữ tại huyện Nam Đông. (Ảnh: Kim Ngân)
Tích cực triển khai công tác xóa mù chữ
Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế, toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn, có hai dân tộc Kinh và Cơ Tu chiếm đa số, ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác như Pa Cô, Pa Hy, Vân Kiều, Mường, Thái… với tổng là 7.102 hộ, 26.920 khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số là 2.951 hộ, 12.260 khẩu (chiếm 46,14% dân số toàn huyện).
Độ tuổi người dân từ 15 đến 60 có tổng số là 17.408 người. Tuy nhiên số lượng người mù chữ hiện nay trong độ tuổi từ 15 đến 60 là 741 người mức độ I (tỷ lệ 4,26%) và 1.820 người mức độ II (tỷ lệ 10,45%). Số lượng người mù chữ chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua dưới sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành và các địa phương, huyện Nam Đông đã tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện đẩy mạnh công tác xóa mù chữ để nâng cao trình độ văn hoá cho người dân trong độ tuổi 15-60 tuổi nhằm đạt chuẩn công tác xóa mù chữ và củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục làm nền tảng vững chắc, đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn huyện.
Công tác xóa mù chữ luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở, Phòng GD&ĐT huyện Nam Đông và có sự quan tâm của chính quyền cơ sở, các đoàn thể ở thôn, bản, đặc biệt là Hội phụ nữ nên việc vận động duy trì số lượng học viên tương đối tốt.
Bên cạnh đó, công tác xóa mù chữ còn có sự vào cuộc phối hợp và chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm GDNN- GDTX Nam Đông. Đồng thời cũng có đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về xóa mù chữ của cấp trên tạo cơ sở pháp lý để thực hiện công tác này.
Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên luôn tâm huyết với nghề, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những thuận lợi đạt được, công tác xóa mù chữ tại huyện Nam Đông cũng gặp nhiều khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chủ yếu lớp học mượn các nhà họp thôn nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến lịch học mỗi khi thôn tổ chức sinh hoạt, hội họp.
Đa số học viên là nữ giới, lớn tuổi vừa học vừa làm (ngoài công việc đồng ruộng họ còn thêm công nội trợ) nên thời gian học chủ yếu là trên lớp, ban đêm.
Một học viên nữ vừa tranh thủ vừa chăm con, vừa tham gia lớp học xóa mù chữ.
Điều kiện kinh tế – xã hội của huyện còn khó khăn, người mù chữ đa phần là lao động chính, trụ cột trong gia đình nên việc tham gia học tập thiếu thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn.
Ngoài ra, một số trường hợp khi đăng ký đi học thiếu sự ủng hộ, động viên của người thân nên cũng tạo khó khăn cho học viên mỗi khi đến lớp.
Nhiều giải pháp nâng cao công tác xóa mù chữ
Để nâng cao trong công tác xóa mù chữ tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cần có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào “học tập suốt đời” trong mỗi gia đình, cộng đồng, gắn với chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; Thường xuyên tuyên truyền công tác xóa mù chữ bằng nhiều hình thức, nhất là ý nghĩa, mục tiêu của việc học các lớp này.
Chính quyền có thể đặt hàng, biên soạn tài liệu nội dung công tác giảm nghèo lồng ghép trong giảng dạy xóa mù chữ và tuyên truyền cách phát triển kinh tế cho bà con; Tổ chức khai giảng nhiều lớp kết hợp với tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hằng năm.
Bên cạnh đó, có thể phân công bố trí giáo viên có trách nhiệm tham gia đứng lớp giảng dạy, chủ nhiệm các lớp xóa mù chữ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tích cực tham gia các đợt tập huấn về công tác tuyên truyền, truyền thông việc vận động số lượng người học và chuyên môn nghiệp vụ để áp dụng thực tiễn vào giảng dạy xóa mù chữ.
Giáo viên trực tiếp làm công tác xóa mù chữ phải am hiểu văn hoá và phong tục địa phương và biết tiếng để trao đổi song ngữ trong quá trình vận động số lượng và dạy học, luôn sát sao gần gũi học viên để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học viên, giúp đỡ những học viên đặc biệt khó khăn…
Đổi mới phương pháp và sử dụng thiết bị dạy học, vận động người mù chữ đi học xóa mù chữ, thực hiện cách thức tổ chức dạy học xóa mù chữ linh động, đa dạng.
Giáo viên sử dụng thiết bị dạy học tự làm để giúp học viên dễ tiếp cận kiến thức tại lớp học xóa mù chữ. (Ảnh: Trung tâm GDNN – GDTX Nam Đông)
Bên cạnh đó, hằng tuần tổ chức lồng ghép giao lưu giữa các lớp, các thôn, các xã bằng cách hát múa, đánh cồng chiêng, chơi các trò chơi dân gian góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc để học viên có cơ hội tự khẳng định mình.
Giáo viên cũng có thể chủ động phối hợp với thôn trưởng và huy động người thân của học viên có trình độ văn hóa phù hợp hướng dẫn, hỗ trợ cho học viên học xóa mù chữ tại nhà, luyện đọc, cộng tính…và tạo mối quan hệ thân thiện gần gũi, trung thực, ứng xử hoà nhã, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, hỗ trợ giải đáp những thắc mắc của học viên.
Từ năm 2019 đến nay, việc huy động những người mù chữ trên địa bàn huyện Nam Đông đã đạt được thành quả tốt, có nhiều học viên tham gia học tập tích cực đã góp phần vào công tác phổ cập xóa mù chữ trên toàn huyện đạt chuẩn mức độ 2.
Theo đó, tại các xã Thượng Long, Thượng Nhật đã có 3 khoá học hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 2; xã Hương Hữu đã có 2 khoá học hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 2. |