Nhận thức thấu đáo về đổi mới giáo dục cần đi cùng hành động tương xứng
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, nhận thức thấu đáo về đổi mới giáo dục cần đi cùng hành động tương xứng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Nơi nào chính quyền địa phương quan tâm, nơi đó đổi mới đạt kết quả cao
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: với sự tham gia tích cực của cả hệ thống, các địa phương, các bộ, ngành, tổng kết Nghị quyết 29 đã bao quát được tiến độ, bao quát được phạm vi, đang đi được vào chiều sâu những vấn đề cần được đề cập đến trong thời gian tới.
Trong các trao đổi, thảo luận đều thống nhất, khẳng định: giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, chuyển biến tích cực. Để có được điều đó, Nghị quyết 29 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đây là Nghị quyết mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Trung ương Đảng. Cho tới thời điểm này, rất nhiều nội dung quan trọng vẫn đang là quyết sách mang tính chiến lược.
“Chúng ta khẳng định giá trị của Nghị quyết 29 trong sự mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao,… Bởi vậy, những kết quả đạt được 10 năm qua, theo Bộ trưởng, cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành, địa phương; trong đó đặc biệt là vai trò triển khai Nghị quyết của 63 tỉnh/thành phố.
Qua quá trình đánh giá các tỉnh/thành phố, nơi nào Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thì ở đó đổi mới đạt được kết quả cao. Một số nơi điều kiện khó khăn nhưng sự đổi mới lại đạt được rất tốt. Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối. Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ, sự đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ hơn. “Chúng tôi nhấn mạnh, cảm ơn các địa phương và mong trong thời gian tới các địa phương sẽ làm tốt hơn nữa những công việc đang làm”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; ông Lại Xuân Môn – Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc điều hành Hội nghị.
Nhìn nhận những thách thức mới để có giải pháp tiếp theo
Bộ trưởng đồng thời phân tích những thách thức mới của giáo dục mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện đề cập tới nhiều. Trong đó có thách thức về phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh. Trong thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện, con người đang đứng trước thách thức mới để phát triển và có một cuộc sống hạnh phúc.
Đó còn là thách thức mới trong phát triển nguồn nhân lực, khi những yêu cầu về năng lực mới, kỹ năng mới xuất hiện rất nhiều. Số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp tăng lên; yêu cầu về sự phát triển nhiều ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh hơn, đời sống cao hơn, nhưng đứng trước việc phân hoá giàu – nghèo lớn lên thì nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể sẽ gia tăng. Đây cũng là một thách thức lớn.
Đó là thách thức của mô hình trường học mới, mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, không gian giáo dục mới trong thời đại số. Những vấn đề chúng ta phải ứng xử với hệ giá trị, cả giá trị thực và giá trị ảo, những vấn đề phi truyền thống; thách thức lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, kể cả giáo dục phổ thông và đại học…
Nhận thức, thể chế và nguồn lực
Trong đề xuất kết luận với Bộ Chính trị sẽ có những đề xuất nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời gian tới. Bộ trưởng thông tin và nhấn mạnh 3 vấn đề chính là: nhận thức, thể chế và nguồn lực.
Vấn đề nhận thức, bản thân Nghị quyết 29 đã là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục, nhưng nhận thức trong các cấp, các ngành vẫn là một vấn đề lớn. Theo Bộ trưởng, sẽ còn phải tiếp tục nhận thức về đầu tư cho giáo dục, về tự chủ trong giáo dục, về xã hội hoá giáo dục và các vấn đề chuyên môn của ngành. Bên cạnh nhận thức đầy đủ, thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng, đến nơi đến chốn.
Về vấn đề thể chế, sẽ cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng luật mới là Luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hoá giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.
Vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng nhắc đến tài chính giáo dục, đầu tư cho giáo dục, nguồn lực con người và nhấn mạnh: chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới. Chắc chắn sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo, từ đó hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian tới.
Kiên trì định hướng đổi mới Theo Bộ trưởng, chúng ta tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh rất nhiều nội dung trong Nghị quyết còn đang làm, đang triển khai, vẫn chưa hoàn tất; và ngay cả những việc vừa hoàn thành thì phải nhiều năm sau mới có thể nhìn thấy hết giá trị, ảnh hưởng của kết quả đó. Giáo dục là con người nên không thể đơn thuần đánh giá được trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn nhận được những kết quả cụ thể và có thể đánh giá được xu hướng của sự vận động. Tổng kết Nghị quyết 29 để khẳng định những vấn đề quan trọng, trong đó Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận liên quan đến yêu cầu về việc kiên trì định hướng đổi mới. Kiên trì thì những việc làm đã qua mới có thể có tác dụng trong thời gian sắp tới. Sự kiên định, nhất quán, thống nhất trong chỉ đạo của sự đổi mới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. |