Nhà trường tăng tốc, nỗ lực vì trò trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Năm 2024 là năm cuối cùng học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT hiện hành.
Và Thị Thanh được thầy cô giáo Trường THPT Quế Phong (Quế Phong, Nghệ An) hỗ trợ tối đa trong học tập. Ảnh: NTCC
Với mục tiêu “không để thí sinh nào bỏ lại phía sau”, các nhà trường đang tăng tốc ôn tập đảm bảo kiến thức dự thi. Nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ được khởi động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Không để học sinh… ở lại năm sau
Những ngày tháng 5, vào cuối mỗi buổi học, thầy cô bộ môn Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương, Nghệ An) tiếp tục ở lại trường để phụ đạo, bồi dưỡng cho lớp học đặc biệt. Đây gọi là những lớp học “biến động” gồm học sinh trung bình, yếu, nguy cơ bị điểm liệt được gom lại để dạy, ôn thi tốt nghiệp THPT với phương pháp, giáo án riêng.
Thầy Lê Văn Thành – Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thai Mai chia sẻ: “Những năm trước, nhà trường đã triển khai lớp phụ đạo này, nhưng thông thường bắt đầu vào nửa cuối học kỳ II. Năm nay, nối tiếp cách làm này nhưng trường đẩy lên sớm hơn từ khi hoàn thành khảo sát chất lượng học kỳ I dành cho khối 12”.
Theo thầy Thành, năm 2024 là năm cuối cùng học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2006. Từ năm 2025, kỳ thi chắc chắn có nhiều thay đổi về phương thức, nội dung kiến thức tương ứng với khóa học sinh học Chương trình GDPT 2018.
Nếu học sinh “bị rớt lại phía sau”, không đỗ tốt nghiệp THPT năm nay, sẽ vất vả khi tham gia thi lại. Đây là điều học sinh, phụ huynh, nhà trường đều không mong muốn. Vì vậy, trong kế hoạch dạy học và ôn thi, ban giám hiệu nhà trường đã phát động giáo viên bộ môn dạy phụ đạo miễn phí cho nhóm học sinh trung bình yếu, thời gian đến hết ngày 25/6.
Danh sách lớp do giáo viên từng bộ môn đề xuất, trên cơ sở khảo sát kết quả học tập. Quá trình phụ đạo, học sinh dự các đợt thi thử nếu có tiến bộ, đạt điểm trung bình trở lên, có thể rời lớp hoặc quay lại tham gia ôn tập bình thường. Ngược lại, giáo viên phát hiện em nào hổng kiến thức, thi thử đạt dưới 3,5 điểm sẽ bổ sung vào lớp phụ đạo.
Mỗi lớp phụ đạo có sĩ số từ 20 – 22 em, một số môn như Toán, Tiếng Anh số lượng học sinh nhiều thì chia thành 2 – 3 lớp để dạy ôn hiệu quả. Kiến thức phụ đạo ở mức cơ bản, nhận biết và thông hiểu, không dạy kiến thức vận dụng. “Khi phát động, giáo viên nhà trường đều tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh, không chỉ riêng người phụ trách lớp 12 năm nay, mà cả thầy cô dạy khối 10, 11. Chỉ cần có học sinh, thì giáo viên sẵn sàng giúp các em học tập, ôn thi không giới hạn số buổi”, thầy Lê Văn Thành cho biết.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức họp phụ huynh khối 12 và thông báo, trao đổi trực tiếp với gia đình những em diện “phụ đạo” về chủ trương dạy ôn miễn phí. Trường học tích cực, giáo viên tâm huyết với trò, đổi lại phụ huynh có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện cũng như đôn đốc con em học hành.
Giờ học phụ đạo cuối buổi chiều của giáo viên, học sinh Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh: NTCC
Tất cả vì sĩ tử
Thời gian này, Công đoàn Trường THPT Quế Phong (Quế Phong, Nghệ An) kêu gọi nguồn lực để tiếp sức cho sĩ tử. Đây là hoạt động thường niên trong nhiều năm qua tại ngôi trường vùng cao biên giới này. Quế Phong hiện có duy nhất trường THPT, nên học sinh từ các xã bản phải tập trung về thị trấn dự thi. Có em ở xã biên giới như Tri Lễ, Thông Thụ, cách trường 50 – 60km đường đèo dốc. Trong 2 kỳ thi, chương trình tiếp sức dự kiến tặng miễn phí nước uống, hàng trăm suất ăn trưa mỗi ngày cho thí sinh.
Thầy Ngô Chiến Thắng – Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Quế Phong cho biết: Cùng với hoạt động của nhà trường, đoàn thanh niên, các đơn vị, tổ chức khác trên địa bàn và chính quyền địa phương chủ động phối hợp, có kế hoạch giúp đỡ thí sinh về nơi ở, nghỉ ngơi. Các đội xe ôm miễn phí giúp đưa đón thí sinh đến điểm thi… Thầy Ngô Chiến Thắng và một số giáo viên có nhà trọ cho thuê cũng miễn phí phòng ở cho thí sinh từ tháng 6 đến khi hoàn thành ôn tập, thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh chương trình tiếp sức, thời gian qua, Trường THPT Quế Phong và nhiều trường vùng cao khác tại Nghệ An như Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương đang tổ chức cho học sinh khối 12 đến trường tự học vào buổi tối. Giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và trực nề nếp sẽ quản lý giám sát, hướng dẫn, phụ đạo thêm kiến thức cho các em.
Và Thị Thanh – nữ sinh người Mông, nhà ở xã biên giới Tri Lễ nên 3 năm qua thuê ở trọ gần trường để đi học. Nữ sinh chia sẻ, cuối tháng 5 sẽ hoàn thành chương trình năm học, nhưng em ở lại tham gia ôn tập đến ngày thi. Nếu về nhà ở bản, em sẽ bị gián đoạn guồng học tập và không có điều kiện ôn thi tốt như ở trường.
“Em thi tốt nghiệp THPT với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ngành Sư phạm, Trường Đại học Vinh. Những năm gần đây, khối ngành Sư phạm có điểm đầu vào cao nên em phải tập trung cao độ ôn thi. Ở trường em được thầy cô quan tâm ôn tập, luyện đề, bồi dưỡng để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi”, nữ sinh người Mông cho biết.
Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên, Nghệ An) dù ở gần trung tâm và khu công nghiệp lớn của Nghệ An, nhưng phần lớn học sinh đến từ vùng chiêm trũng, bố mẹ làm nông, đời sống kinh tế vất vả.
Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Trần Đình Hoàng, nhà trường kết nối với nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cựu học sinh… xây dựng quỹ khuyến học. Những trường hợp khó khăn được ưu tiên trao học bổng, hoặc học sinh tiến bộ, đạt thành tích trong rèn luyện, học tập cũng có phần thưởng khích lệ.
“Với sự quan tâm, đồng hành đó, những năm qua, trường không có tình trạng học sinh nghỉ học. Thay vào đó, các em gắn bó với trường lớp, có mục tiêu học để tốt nghiệp THPT, sau này xét tuyển vào đại học hoặc học nghề, xuất khẩu lao động, du học…”, thầy Trần Đình Hoàng chia sẻ.
Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An đã thành lập. Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh sẽ quán triệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó giao trách nhiệm các ban, ngành liên quan tham gia tổ chức các kỳ thi đảm bảo đúng quy chế. Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ tối đa thí sinh, không để trường hợp nào bị bỏ lại phía sau.
Hồ Lài