Nâng chuẩn để trường đại học xác định rõ sứ mạng
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, chuẩn cơ sở GDĐH nhằm quy hoạch các trường, nâng chuẩn để các trường xác định sứ mạng.
Toàn cảnh tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chiều 31/7. Ảnh: Mạnh Tùng.
Chiều ngày 31/7, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm góp ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Sau khi bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày những điểm chính về dự thảo Thông tư, đại diện nhiều trường đại học góp ý về bộ tiêu chuẩn.
Nhiều băn khoăn về chuẩn cơ sở giáo dục đại học
GS.TS Vũ Văn Yêm, Thành viên Tổ chuyên gia xây dựng chuẩn cơ sở GDĐH có phần tham luận với chủ đề “Chuẩn cơ sở GDĐH: Tiếp cận theo các chỉ số hoạt động chính”.
Theo đó, GS.TS Vũ Văn Yêm trình bày những nét chính trong dự thảo Thông tư ban hành chuẩn cơ sở GDĐH ngày 28/7/2023 gồm 6 tiêu chuẩn: Các tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản trị; Giảng viên; Điều kiện học tập; Tài chính; Tuyển sinh và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Các tiêu chuẩn này được chia nhỏ thành 24 tiêu chí.
GS.TS Vũ Văn Yêm trình bày những nét chính trong dự thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo ông Yêm, nguyên tắc thiết kế các tiêu chuẩn, tiêu chí là lấy lợi ích người học làm trung tâm; dựa trên 3 chức năng cơ bản của cơ sở giáo dục đại học là đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức phục vụ cuộc sống.
Góp ý dự thảo Thông tư, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang nêu ra nhiều băn khoăn về các tiêu chuẩn, tiêu chí.
Bà Diệu cho rằng, cần xem xét lại tiêu chí “chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo được ban hành, triển khai và giám sát hiệu quả thông qua chỉ số hoạt động, đảm bảo ít nhất 2/3 các chỉ số hoạt động được cải thiện hàng năm”.
Theo bà Diệu, nên có quy định chỉ số tối thiểu trong chiến lược của các trường. Nếu yêu cầu được đặt ra hằng năm, các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo ít nhất 2/3 số chỉ số được cải thiện thì không hợp lý. Bởi chiến lược thường được phát triển trong một giai đoạn, khi phát triển đến giới hạn nào đó sẽ không thể luôn luôn cải thiện.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang nêu ra nhiều băn khoăn về các tiêu chuẩn, tiêu chí. Ảnh: Mạnh Tùng.
Với tiêu chí tỷ lệ có trình độ tiến sĩ trên số giảng viên toàn thời gian trong tiêu chuẩn “giảng viên”, bà Diệu cũng cho rằng chưa hợp lý. Theo bà Diệu, tỷ lệ này tính chung trên cả trường sẽ không phù hợp mà nên tính theo ngành.
Về tiêu chuẩn “điều kiện học tập”, nếu các trường đạt được tiêu chuẩn không nhỏ hơn 25m2/sinh viên thì quá lý tưởng. Bà Diệu đặt vấn đề, nếu áp dụng tiêu chí này, liệu rằng 2030, có bao nhiêu trường đạt được con số này.
Tương tự, TS Phạm Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng đề nghị xem xét lại tiêu chí “diện tích đất trên một người học chính quy, quy chuẩn theo trình độ đào tạo, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, từ năm 2030 không nhỏ hơn 25m2”.
TS Phạm Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng góp ý dự thảo. Ảnh: Mạnh Tùng
PGS.TS Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng có nhiều đề xuất liên quan đến diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Với đặc thù của ngành Y Dược, từ năm thứ 2 trở đi, sinh viên đi thực tập tại bệnh viện. “Như vậy, diện tích thực tập ở các bệnh viện thực hành có được tính vào diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học hay không”, ông Đạt đặt vấn đề.
Ông Đạt cũng cho rằng, tiêu chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ trên số giảng viên nên tính theo ngành chứ không nên tính theo trường. Ngoài ra, với đặc thù của ngành y tế, giảng viên chuyên khoa II cũng cần được xem xét khi tính tỷ lệ quy đổi thành tiến sĩ.
PGS.TS Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Y Dược TPHCM nêu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trường đại học phải xác định sứ mạng
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã giải thích từng thắc mắc của các đại diện cơ sở GDĐH.
Theo Thứ trưởng, vừa qua đã có hệ thống HEMIS – hệ thống thông tin quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT. Những số liệu, thông tin gì có thể số hóa, định lượng, các trường có thể đưa lên để trao đổi thông tin. Điều này cũng góp phần làm giảm bớt việc các trường phải thực hiện các báo cáo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trả lời các góp ý, thắc mắc từ các đại biểu của các trường đại học. Ảnh: Mạnh Tùng.
Về tiêu chí diện tích sàn xây dựng, điều này giúp các địa phương trong công tác quy hoạch. Các trường căn cứ theo các tiêu chuẩn, tiêu chí này để có định hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu. Với một số ngành đặc thù, chẳng hạn Y Dược, có thể được xem xét, tính toán lại các tiêu chí này.
Về tiêu chí tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ với các cơ sở GDĐH, theo Thứ trưởng Sơn, nhằm mục đích đầu tiên là quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học.
Theo Thứ trưởng, hiện có quá nhiều cơ sở đào tạo Tiến sĩ, không tập trung được nguồn lực, chất lượng không đồng đều. Ông nêu ví dụ, có trường chỉ đào tạo 1-2 ngành tiến sĩ, một năm có 5-7 nghiên cứu sinh.
Theo đó, cần xem xét chất lượng đào tạo Tiến sĩ ở các trường hiện có hiệu quả hay không, vì sao cần phải đào tạo Tiến sĩ. “Bộ phải quyết liệt làm. Không thể trường nào cũng có thể mở ngành đào tạo Tiến sĩ được”, Thứ trưởng nói.
Do đó, Bộ GD&ĐT quy hoạch, nâng chuẩn để các trường xác định rõ sứ mạng của mình, biết tập trung ở phân khúc đào tạo nào.
Đồng thời, ông giải thích: “Khi định hướng đào tạo Tiến sĩ thì phần nghiên cứu phải tăng lên, tính toán tỷ lệ nghiên cứu sinh, có tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, có số công bố, nguồn thu từ nghiên cứu”.
Thứ trưởng cho biết, ban soạn thảo dự thảo Thông tư sẽ lắng nghe đầy đủ các góp ý từ các đại biểu để hoàn thành chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Nguồn:https://giaoducthoidai.vn/nang-chuan-de-truong-dai-hoc-xac-dinh-ro-su-mang-post648951.html