Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đưa ra các giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục – đào tạo tại Hội nghị tập huấn lãnh đạo Ban Tuyên giáo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác khoa giáo và văn hóa – văn nghệ năm 2024. (Ảnh: Đại Dương)
Ngày 2-3/10, tại Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) diễn ra Hội nghị tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác khoa giáo và văn hóa – văn nghệ năm 2024 cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cán bộ tuyên giáo tham mưu công tác khoa giáo và văn hóa – văn nghệ trên cả nước.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng các Bộ; ông Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức với hơn 250 đại biểu trên cả nước tham dự. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe 6 chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và văn nghệ.
Hội nghị có sự tham dự hơn 250 đại biểu trên cả nước.
Liên quan tới lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc có bài phát biểu chuyên đề “Một số vấn đề đặt ra, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo trong thời gian tới”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã nêu bật các thành tựu của Giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Nhiều thành tựu của ngành giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW được Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu bật tại Hội nghị.
Cụ thể, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Phương pháp dạy – học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hoá, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.
Về các nhiệm vụ phát triển giáo dục trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, thực hiện sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời.
Các đại biểu tham dự Hội nghị là lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cán bộ tuyên giáo tham mưu công tác khoa giáo và văn hóa – văn nghệ trên cả nước.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tập trung đầu tư hiện đại hoá giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định;
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Đại Dương