Mùa Trung thu trao gửi yêu thương tới học trò vùng lũ
Học sinh, thầy, cô giáo ở khắp cả nước đã khởi động mùa Trung thu với nhiều món quà ý nghĩa gửi đến các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 1, TPHCM) tham gia ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ảnh: Hồ Phúc
Trăng sáng soi tình bạn
Ngoài cặp sách, sáng 12/9, nhiều học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn khệ nệ mang thêm áo ấm, giày dép, sách giáo khoa, đồng phục… vẫn sử dụng được để gửi tặng các bạn nhỏ phía Bắc đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trước đó, nhà trường đã gửi tâm thư đến phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân nhằm chung tay giúp học sinh, giáo viên và trường học ở khu vực phía Bắc sớm khắc phục hậu quả của bão lũ, nhanh chóng ổn định dạy – học. Các trường học ở Đà Nẵng trở thành điểm tiếp nhận sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh từ hiện vật cho đến tiền mặt.
Tại TPHCM, các trường học đang triển khai cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3) gửi thư kêu gọi đến cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như toàn thể học sinh huy động sự ủng hộ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tường Minh, hoạt động nhằm góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ và nghĩa tình của cán bộ, nhà giáo và học sinh, góp phần tạo nguồn lực kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng do bão số 3.
“Mọi sự ủng hộ đều trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường không tổ chức quyên góp tập trung ở sân trường mà tổ trưởng công đoàn, lớp trưởng hoặc bí thư các lớp tiếp nhận khoản vận động của các thành viên rồi gửi về phòng tài vụ của trường. Thời gian tổ chức hoạt động quyên góp đến hết ngày 16/9”, cô Minh cho biết.
Sáng 12/9, tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên, cha mẹ và học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 1, TPHCM) tập trung ở sân trường, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại sau cơn bão số 3 gây ra.
Những hình ảnh học sinh ôm heo đất tiết kiệm tới ủng hộ, hay nhiều em khệ nệ ôm thùng mì, bánh, sữa, tập vở… để ủng hộ học sinh, bà con vùng bão lũ khiến các thầy cô xúc động. Cô Hiệu trưởng Lê Thanh Hương cho biết, chỉ trong 1 buổi sáng, nhà trường nhận được gần 109 triệu đồng tiền mặt, 54 thùng mì gói; 185 cuốn tập; 60 bếp gas mini; 208 bình gas mini, 20 hộp bánh quy; nhiều phần sữa và bánh tươi.
Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo tiếp nhận các nguồn ủng hộ cho bà con miền Bắc từ học sinh, phụ huynh tới ngày 16/9. Sau đó, sẽ chuyển quà, tiền đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1, TPHCM) để gửi tặng đồng bào miền Bắc.
Trước đó, ngày 11/9, hai em Từ Đăng Nguyên và Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi, học sinh Trường THCS Kiến Thiết (Quận 3, TPHCM) đã có mặt tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM với hai con heo đất trên tay. Phần tiền hai em tiết kiệm được là món quà nhỏ gửi tới học sinh, bà con đang gặp muôn vàn khó khăn từ bão, lũ, sạt lở đất sau bão số 3 ở miền Bắc.
Hơn 800 lá thư được học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Quận 5, TPHCM) gửi kèm cùng phần tiền ủng hộ bạn cùng trang lứa ở vùng lũ với lời chúc mong các bạn và gia đình bình an, sớm khắc phục khó khăn để quay trở lại trường học.
Các bé mẫu giáo Lớn của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã kịp gửi 100 bánh Trung thu tự làm, dưới sự hướng dẫn của cô giáo cho các bạn nhỏ vùng cao miền Bắc như một món quà của sự chia sẻ, động viên.
Trẻ mẫu giáo Lớn, Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm bánh trung thu gửi cho bạn nhỏ vùng cao miền Bắc bị ảnh hưởng bão lũ. Ảnh: NTCC
Những bài học sẻ chia
Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) dự kiến tổ chức chương trình Trung thu Trăng sáng soi tình bạn cho học sinh toàn trường với tinh thần ngắn gọn, tiết kiệm. Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Từ hình ảnh, câu chuyện của các bạn đồng trang lứa ở một số địa phương đang bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ, học sinh sẽ thấy được giá trị của sự bình an, mưa thuận gió hòa. Các em cũng nhận ra rằng trong khi nhiều bạn nhỏ ở một số tỉnh miền Bắc đang thiếu thốn từ quyển sách, tập vở, đến bộ áo quần đồng phục, cặp sách thì các em còn may mắn, đủ đầy, được đến trường học tập, vui chơi mỗi ngày”.
Chương trình vui hội Trung thu vì vậy được Trường THCS Nguyễn Huệ lồng ghép trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Nhà trường phát động và tiếp nhận sự ủng hộ của thầy, cô giáo, tập thể các lớp để chuyển về Công đoàn ngành Giáo dục TP Đà Nẵng. Riêng tiết mục múa lân được giữ lại để học sinh trọn vẹn niềm háo hức của ngày hội Rằm tháng 8.
Thầy Bùi Ngọc Luận – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) nhắn gửi đến học sinh toàn trường: “Đọc tin bão lũ ở miền Bắc, thầy xót xa vô cùng. Người mất, nhà tan. Nhớ trường mình cũng từng gánh trải nỗi đau ấy trong đợt sạt lở đất tháng 10/2020 ở Trà Leng. Lúc đó, mọi tấm lòng đều hướng về Nam Trà My.
Mảnh đất hình chữ S này với những con người trung kiên bất khuất, hơn cả như thế là truyền thống nhân ái “rách ít đùm rách nhiều”. Trưởng thành là ở nhận thức! Quý là ở sự tri ân. Dẫu biết mình còn bao khốn khó nhưng yêu thương là sẻ chia. Thầy mong muốn các em hiểu và cùng chia sẻ. Của ít, tình nhiều. Bớt đi một que kem sẽ có thêm một ổ bánh mì cho bạn đang ôm chiếc can nhựa ngồi trên mái nhà ngập nước. Yêu thương cho đi là còn mãi”.
Từ những tâm sự của thầy hiệu trưởng về sự sẻ chia, sự biết ơn và tình yêu thương, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My đã ủng hộ 6 triệu đồng, thông qua CLB Bạn thương nhau để chuyển thành nhu yếu phẩm gửi học sinh ở các tỉnh vùng cao phía Bắc. Thầy, cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Trà Phong (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có sự đùm bọc thật tròn đầy khi kịp thời ủng hộ cho bà con miền Bắc.
Thầy trò Trường THPT Số 1 Bắc Hà hỗ trợ dọn dẹp bùn đất ở các xã bị ảnh hưởng bởi bão số 3 của huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: NTCC
Sẻ chia những nhọc nhằn
Để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Trường THPT Số 1 Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức nấu ăn, dọn dẹp đường sá bị đất đá vùi lấp ở những xã trên địa bàn huyện.
Cô Nguyễn Khánh Chi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 Bắc Hà cho biết: “Giáo viên, học sinh nhà trường bắt đầu tổ chức chương trình tình nguyện hướng về đồng bào vùng lũ từ ngày 10/9.
Thầy trò nhà trường đến các điểm bị ảnh hưởng để hỗ trợ nấu ăn, vệ sinh môi trường, vận chuyển nhu yếu phẩm từ các nguồn hỗ trợ, động viên tinh thần gia đình bị thiệt hại sau lũ. Bên cạnh đó, chúng tôi căn cứ vào nhu cầu của người dân để triển khai các hoạt động giúp đỡ sao cho thiết thực. Dự kiến chương trình triển khai đến hết tuần này”.
Trường Mầm non Tú Xuyên (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) vẫn ngập nước, đất đá vùi lấp sân trường, cây cối đổ ngổn ngang. Đến thời điểm này, nhà trường chưa thể đón trẻ trở lại. Để đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đã huy động cán bộ, giáo viên các trường mầm non lân cận trong địa bàn hỗ trợ để sớm tổ chức lại các hoạt động dạy học, chăm sóc trẻ.
Thông tin từ ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan: “Đơn vị huy động giáo viên ở 4 trường mầm non gồm: Mầm non Thị trấn Văn Quan, Mầm non Hòa Bình, Mầm non Hữu Lễ và Mầm non Bình Phúc giúp Trường Mầm non Tú Xuyên dọn bùn đất, vệ sinh lớp học, đồ dùng, đồ chơi. Đồng thời, tổ chức vệ sinh khử khuẩn nhằm đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh sau bão. Dự kiến, ngày 13/9, nhà trường đón trẻ trở lại trường”.
Ngoài những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ sửa chữa cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, phòng GD&ĐT còn khuyến khích các trường tổ chức hoạt động quyên góp sách vở, quần áo, giày dép đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ học sinh các xã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn huyện.
Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức quầy bán hàng gây quỹ với tên gọi “Mùa trăng yêu thương”.
Trong thư ngỏ gửi tới phụ huynh, có đoạn: “Những ngày qua, cô giáo đã kể cho trẻ nghe về trận bão số 3 gây ra biết bao thiệt hại, khó khăn, thiếu thốn cho các cô chú, anh chị và các bạn nhỏ ở các tỉnh phía Bắc. Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, nhiều bạn nhỏ không còn trường lớp để học, nhiều người thiếu đồ ăn, quần áo… Tất cả số tiền thu được từ quầy hàng được nhà trường gửi đến học sinh miền núi phía Bắc với mong muốn các em sớm trở lại trường”.