Lồng ghép, tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng trong dạy học

Bộ GD&ĐT báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở GD-ĐT.

Ảnh minh họa/ITN.

Trong báo cáo thông tin về việc lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy.

Cụ thể, đối với chương trình, giáo dục phổ thông 2006, môn Giáo dục công dân đã có các nội dung liên quan đến phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu Lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 5571/BGDĐT-TTr ngày 13/8/2013 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 8784/BGDĐT-GDTrH ngày 6/12/2013 về việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tiếp tục đưa các nội dung có liên quan đến phòng chống tham nhũng vào chương trình môn học.

Chương trình, các sách giáo khoa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật thiết kế theo hướng mở, giao quyền chủ động cho giáo viên giảng dạy được chủ động thiết kế và triển khai các nội dung tích hợp với nhiều hình thức, quy mô phù hợp với từng chủ đề, bài học và phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ sở giáo dục.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch số 583/KH-BGDĐT ngày 5/4/2023 về việc xây dựng tài liệu phục vụ giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là cơ sở để vận dụng triển khai phòng chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài việc tích hợp vào môn Giáo dục công dân, các cơ sở giáo dục chủ động đưa nội dung này tích hợp giảng dạy trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp dưới hình thức sân khấu hóa, các hoạt động văn hoá văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật…

Các nhà trường đã chỉ đạo Đoàn thanh niên tổ chức hoạt động ngoại khóa với nhiều nội dung, có tích hợp, lồng ghép phòng chống tham nhũng với những chủ đề phù hợp.

Trung bình, mỗi nhà trường tổ chức được 3 chương trình ngoại khóa/năm học (chào cờ, sinh hoạt chi đoàn,…) tích hợp, lồng ghép phòng chống tham nhũng với các chủ đề như: thanh niên với pháp luật, thanh niên với bản sắc con người Việt Nam, tuổi trẻ tiến bước dưới cờ Đảng, tự hào tuổi trẻ Việt Nam, thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngày Pháp luật Việt Nam.

Các trường đồng thời phối hợp với công an địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung phòng chống tham nhũng; tuyên truyền bằng hình thức phát thanh học đường về phòng chống tham nhũng đến học sinh. Nội dung tuyên truyền về các quy định gần gũi với học sinh và các hoạt động của nhà trường; các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đã và đang được xét xử và được dư luận quan tâm…

Theo báo Giáo dục và Thời đại

6 Tháng Chín, 2023 | 15:47
Theo giaoducthoidai.vn