Lồng ghép kiến thức quốc phòng an ninh từ cấp tiểu học
Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở.
Giáo dục quốc phòng an ninh là môn học bắt buộc trong chương trình GDPT 2018 cấp THPT.
Chủ đề lồng ghép gồm: Giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của các thế hệ người Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ lịch sử; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; quyền lợi và trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể, đối với khối lớp 1: Giáo dục truyền thống và ý nghĩa chống giặc ngoại xâm; giới thiệu một số hình ảnh về lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân; ý nghĩa một số dấu mốc lịch sử (Cột cờ Hà Nội, Cột cờ Lũng Cú…).
Khối lớp 2: Giáo dục cho học sinh ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; biết giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, đặc biệt là khi gặp hoạn nạn; nêu ý nghĩa của sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trong chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược.
Khối lớp 3: Ca ngợi tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của các dân tộc Việt Nam; giới thiệu chủ quyền biển, đảo, quyền khai thác tài nguyên trong vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam (chú trọng khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Khối lớp 4: Giới thiệu bản đồ hành chính Việt Nam; phân tích và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; ý nghĩa của việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường; giới thiệu ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Trẻ em.
Khối lớp 5: Giới thiệu những tấm gương dũng cảm và sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự hy sinh của những Mẹ Việt Nam anh hùng; tầm quan trọng của vùng biển nước ta trong phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh; giới thiệu những tấm gương thanh niên, thiếu niên tiêu biểu trong tham gia phong trào bảo vệ môi trường ở địa phương và nhà trường.
Khối lớp 6: Giới thiệu truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ; các địa danh gắn liền với các cuộc kháng chiến chống xâm lược; bản đồ hành chính và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; các chủ đề về an toàn khi tham gia giao thông.
Khối lớp 7: Khẳng định về độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với các thế lực xâm lược; giáo dục về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo khuôn khổ của pháp luật; trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Khối lớp 8: Lòng tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm; giới thiệu các mốc chủ quyền trên đất liền và trên biển; tác hại của tệ nạn xã hội tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên; lồng ghép một số nội dung của hiến pháp (chú ý lựa chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh).
Khối lớp 9: Phổ biến mức độ tàn phá của chiến tranh qua các thời kỳ; các hình ảnh khó khăn, vất vả trong chiến tranh và sự đóng góp của nhân dân về mọi mặt góp phần thành công trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược; các dẫn chứng về thời điểm sau hòa bình để phát triển kinh tế đất nước thì cần gắn liền với quốc phòng an ninh.
Thời lượng lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh trong các môn học, hoạt động giáo dục cần bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông, kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục; bảo đảm đầy đủ nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cần truyền đạt, đồng thời không làm tăng nội dung và thời lượng dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục của các môn học, hoạt động giáo dục có nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh được lồng ghép. |