Lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo
Chiều 21/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã chủ trì phiên họp lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo.
Lấy ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo.
Tham dự phiên họp có đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ tư pháp, các lãnh đạo, chuyên viên các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT.
Khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội
Triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo để xây dựng cơ sở thực tiễn đề xuất hoàn thiện phổ cập GDMN trên phạm vi cả nước. Theo đó mục tiêu đặt ra, thí điểm một số cơ chế, chính sách nhằm phát triển GDMN. Khuyến khích thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ, trường lớp học cho GDMN dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Khuyến khích sự tham gia thí điểm của cấp ủy, chính quyền các địa phương.9
Việc xây dựng Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết các nhóm chính sách như: Đầu tư tài chính, ngân sách nhà nước cho cơ sở thực hiện phổ cập GDMN; Chính sách thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non khi thực hiện thí điểm phổ cập GDMN. Mục tiêu nhằm khuyến khích, thu hút đội ngũ giáo viên mầm non, bảo đảm để thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình GDMN.
Đảm bảo tính khả thi
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặc biệt nhấn mạnh nội dung chính cần phải làm kỹ đó là vấn đề xây dựng chính sách, cần phải làm rõ các nội dung để thấy được tính khả thi, sự cần thiết ban hành chính sách. Từ đó để thấy được tính trọng tâm và hoàn thiện hồ sơ đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đã có 29 tỉnh, thành phố đạt được mục tiêu phổ cập trẻ 3-4 tuổi đến trường. Chính sách có phải chỉ với mục đích cuốn hút trẻ đến trường không?. Do đó cách tiếp cận phải đảm bảo tính công bằng khi thực hiện, thuyết phục được các bộ, ngành. Khi trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng phải cho thấy sự cần thiết, tính hợp lý của Nghị quyết.
Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo phải đảm bảo tính khả thi, không kéo học sinh trường tư về trường công.
“Cần đảm bảo tính khả thi, trẻ 5 tuổi, 3 – 4 tuổi đang học ở trường tư vẫn sẽ học chứ không kéo về trường công. Phổ cập nhưng phải đảm bảo chất lượng. Nếu chưa phổ cập nhà nước không phải tốn kém tiền, phổ cập dùng ngân sách nhà nước thì phải chứng minh được lý do, thuyết phục để được chấp nhận”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh cho biết, huy động trẻ mầm non đến trường là vấn đề lớn. Điều này liên quan đến chính sách đầu tư, tăng phân bổ chi. Cần làm rõ chính sách ban hành, thu hút giáo viên; tình trạng trẻ đến trường lớn, nhưng biên chế giảm, nên chăng bổ sung biên chế để đủ định biên theo GV/lớp. Có thể đưa vào Nghị quyết để địa phương thực hiện.
Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần làm rõ mục tiêu thu hút để có được đầu tư tài chính cho nhóm GV, người học; trang thiết bị phục vụ học tập cho đối tượng phải cụ thể. Có sự đánh giá thực trạng để có sự ưu đãi về chính sách, thuế và ưu đãi, thu hút, giữ chân GV. Phải đưa ra quy định cụ thể để đảm bảo số lượng GV. Đánh giá số lượng GV Phổ cập 3 – 4 – 5 thế nào để có cơ sở giữ chân thầy cô. Đưa ra ưu đãi để trẻ đến trường bằng chế độ trợ cấp cần lượng hóa các chi phí. Cần rà soát từng địa phương để thấy được phạm vi địa phương thu hút sao cho phù hợp.
Với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện Vụ tài chính, Cục nhà giáo, Vụ Pháp chế, Ngân hàng thế giới và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Tư pháp đã đưa ra các ý kiến góp ý hoàn thiện chính sách, nguồn lực, làm rõ nội dung đối tượng chủ yếu là trẻ em vùng khó khăn, nếu không có chính sách thì khó huy động trẻ đến trường. Lứa tuổi từ 3 -5 trẻ cần phải đến trường, đến lớp để được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Việc xây dựng Nghị quyết thí điểm, cần phải đảm bảo tính khoa học, để trình các cơ quan hữu quan thẩm định.
Nguồn: Báo Giáo dục &Thời đại