Lắng nghe để điều chỉnh dạy giáo dục địa phương
Giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018.
Giờ dạy môn Giáo dục địa phương của thầy Trần Đức Phương – Trường THCS Lâm Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn
Tuy nhiên nhiều năm nay, tài liệu dạy môn Giáo dục địa phương tại Nghệ An gặp khó khăn trong khâu biên soạn, thẩm định, phê duyệt. Điều này khiến việc phát hành chậm trễ so với chương trình học, giáo viên phải linh hoạt để triển khai phù hợp.
Giáo viên linh hoạt “xoay xở”
Giáo dục địa phương là nội dung giáo dục bắt buộc của Chương trình GDPT 2018. Ở cấp tiểu học chương trình được lồng ghép trong các môn học, hoạt động trải nghiệm, còn cấp THCS, THPT dạy 35 tiết/năm học cho các lớp từ 6 đến 12.
Tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò), những buổi học giáo dục địa phương thường lồng ghép với hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, làng nghề địa phương. Mới đây, khi dạy tiết Địa lý, cô Trần Thị Quỳnh Anh đã đưa học sinh đến tham quan mô hình chế biến nước mắm, gặp gỡ ngư dân làng nghề để tìm hiểu về hải sản đặc trưng vùng biển.
Cô Quỳnh Anh cho hay: “Chương trình giáo dục địa phương cấp tiểu học không quy định số tiết cụ thể như một môn học độc lập mà lồng ghép ở nhiều môn học. Vì vậy, giáo viên có thể linh hoạt liên hệ, giới thiệu trong bài dạy của mình. Như với tiết học này, tôi chủ yếu giới thiệu cho học sinh quy trình sản xuất nước mắm, tại sao lại trở thành nghề truyền thống nổi tiếng của Cửa Lò. Và để có sản phẩm, các bác ngư dân đã vất vả, bỏ nhiều công sức thế nào”.
Tương tự, tại Trường THCS Nghĩa Hoàn (huyện Tân Kỳ), tiết học môn Giáo dục địa phương liên quan đến chủ đề hướng nghiệp được nhà trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Tiết dạy thực nghiệm SGK chương trình giáo dục địa phương tại Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn
Lắng nghe để điều chỉnh
Chương trình giáo dục địa phương trang bị cho học sinh nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội nơi học sinh sinh sống. Qua đó góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học vào thực tế. Trong 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, tài liệu giáo dục địa phương tại Nghệ An được tổ chức biên soạn sớm, nhưng vẫn chậm phát hành do nhiều nguyên nhân.
Năm nay, lớp 8, 10 và 11 đang phải dạy, học chay, có trường đợi tài liệu chưa triển khai. Một số trường sử dụng giải pháp tình thế là bản PDF nhưng chưa được phê duyệt chính thức và liên quan đến bản quyền. Việc tổ chức dạy học cũng gặp khó khăn trong bố trí giáo viên dạy từng chủ đề.
Mới đây, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức dạy học thực nghiệm tài liệu địa phương chương trình lớp 8 và 11 tại nhiều trường học ở thành phố Vinh, huyện Anh Sơn và Diễn Châu. Cô Đặng Thị Quỳnh Hoa – giáo viên Lịch sử Trường THPT Anh Sơn 1 dạy thực nghiệm bài di tích thắng cảnh trong chương trình lớp 11 với việc giới thiệu 2 di tích hang Bua (huyện Quỳ Châu) và rừng Pù Mát (huyện Con Cuông).
Chia sẻ sau buổi dạy thực nghiệm, cô Quỳnh Hoa cho hay sách đã giới thiệu được trọng tâm mỗi bài học, chủ đề. Tuy nhiên, phần về giá trị kinh tế, giá trị du lịch, lịch sử… chưa dày dặn. Cô mong việc biên soạn sách giáo khoa đầy đủ hơn với nhiều dẫn chứng, tài liệu làm cơ sở cho giáo viên giảng dạy.
Về việc dạy học chương trình giáo dục địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Nghệ An ghi nhận nỗ lực triển khai của nhiều nhà trường, giáo viên trong điều kiện tài liệu chưa đầy đủ. Sở đã tổ chức dạy thực nghiệm ở 3 huyện đại diện cho 3 vùng miền địa phương: Miền núi, đồng bằng ven biển, thành thị. Qua đó lắng nghe ý kiến từ giáo viên, góp ý những vấn đề chưa phù hợp để điều chỉnh.
Về phía ngành và các đơn vị liên quan, trong quá trình biên soạn tài liệu chương trình giáo dục địa phương phải thận trọng, đầy đủ các bước thẩm định. Mục đích đảm bảo chất lượng, đáp ứng ba mạch kiến thức về lịch sử văn hóa truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và chính trị xã hội của Nghệ An. Qua đó, đưa nét tiêu biểu, nổi bật đặc trưng của Nghệ An đến với học sinh và hỗ trợ tối đa giáo viên trong giảng dạy. |