Kỳ vọng Luật Nhà giáo giải quyết những bất cập cho giáo viên

Ảnh minh hoạ/internet

Cần thiết phải có Luật Nhà giáo

Theo ông Lê Tuấn Tứ – đại biểu Quốc hội khoá XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hoà, từ năm 2004, Luật Nhà giáo đã được đặt ra. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan nên đến nay Luật này vẫn được đưa vào chương trình dự án luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua.

Theo ông Lê Tuấn Tứ, đội ngũ nhà giáo ngày càng có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cao. Các nhà giáo tâm huyết, chủ động đổi, sáng tạo trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Minh chứng rõ nét là, đội ngũ nhà giáo đã thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh.

3 năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành, thầy – trò có thể tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng việc dạy – học. Có được kết quả trên là nhờ vào sự thích ứng nhanh của giáo viên, chủ động linh hoạt chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến ở tất cả các cấp học.

Tuy nhiên, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hoà trăn trở, vẫn còn không ít giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019; đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn. Từ những vấn đề thực tiễn cho thấy, cần thiết phải có Luật Nhà giáo.

Qua đó nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội; đồng thời xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với khu vực và thế giới. Đây là vấn đề không chỉ có đội ngũ nhà giáo mà nhân dân, cử tri trên cả nước kỳ vọng.

Mới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV đã có kiến nghị đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật sắp tới của Quốc hội. Tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Uỷ ban đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm trình xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Cô – trò Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ)

Kỳ vọng của giáo viên và cử tri cả nước

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước có gần 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non cho đến đại học; trong đó cấp mầm non: hơn 373.000 người; tiểu học: trên 419.000 người; THCS hơn 314.000 người; THPT trên 150.000 người; giáo dục thường xuyên có 11.500 người; giáo dục đại học gần 74.000 người với 542 giáo sư, hơn 4.000 phó giáo sư, gần 22.000 tiến sĩ và trên 44.000 thạc sĩ. Đây là đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ chuyên môn cao trong toàn bộ lực lượng lao động nước ta.

Nhấn mạnh, nghề dạy học có những đặc thù riêng nên có những vấn đề phải điều chỉnh để phù hợp thực tiễn như: vấn đề thu nhập, thang hạng chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên…. Vì vậy, nếu có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những bất cập và vướng mắc về đội ngũ giáo viên mà thực tiễn đang đặt ra.

Thực tế, tại một số Kỳ họp của Quốc hội, nhiều cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét ban hành. Với kiến nghị này, Bộ GD&ĐT cho biết: một số vấn đề về chính sách nhà giáo đã được Bộ GD&ĐT đề xuất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục.

Trong năm 2018 – 2019, để chủ động nghiên cứu và đề xuất vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiên cứu tổng thể về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo), làm cơ sở để đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới. Hiện Đề tài này đã được Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp nhà nước nghiệm thu.

 

25 Tháng Bảy, 2022 | 12:32
Theo giaoducthoidai.vn