Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nghị lực – bệ phóng thành công

Cùng chung niềm đam mê với Toán học, 3 nữ giáo sư đều xuất phát điểm từ giáo dục.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính đã bước sang tuổi 92 nhưng vẫn trách nhiệm với giáo dục. Ảnh: TG

Tuổi tác và công việc mỗi người một nơi, nhưng ở họ đều cháy bỏng tình yêu khoa học, trách nhiệm với giáo dục; là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo học tập.

Giáo dục là cuộc đời tôi
GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính sinh ngày 5/9/1933, quê làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1, ban Sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp tại Trường THPT Chu Văn An, bà sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi đại học, chuyên ngành Toán học.

Với GS Hoàng Xuân Sính, tình yêu Toán học luôn đi cùng tình yêu, trách nhiệm của một nhà giáo dục. Đây cũng là tâm niệm bà thực hiện từ đó đến nay. “Tháng 5/1975, tôi sang Paris, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7, trước đông đảo giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều. Đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”, nhà giáo Hoàng Xuân Sính chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học Toulouse, bà học lên thạc sĩ Toán học ở tuổi 26. Tình yêu với Toán học cùng mong muốn góp sức mình cho sự nghiệp giáo dục quốc gia, ba tháng sau khi nhận bằng thạc sĩ, bà Hoàng Xuân Sính về nước, đến Bộ Giáo dục “xin việc” và bà đã chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi công tác và tiếp tục làm luận án tiến sĩ.

“Thời điểm đó cả nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vừa làm việc vừa phải sơ tán nhưng tôi vẫn đều đặn lên giảng đường dạy học cho sinh viên và hoàn thành đề tài luận án tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của thiên tài toán học thế kỷ XX – nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck”, bà nhớ lại.

Thời chiến, thư từ chuyển đi nhận lại cũng khó khăn, trong suốt 8 năm làm luận án, bà chỉ nhận được 2 – 3 bức thư từ người thầy. Vượt qua khó khăn đó, bà đã hoàn thành luận án. Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, bà trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức tại Vancouver (Canada) và đều được đánh giá cao.

Tháng 5/1975, bà Sính quay lại, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7. Cơ hội ở lại Pháp nghiên cứu khoa học rộng mở, nhưng nhớ tới lời dạy của Bác Hồ với anh chị em Việt kiều: “Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ nhân dân”. Những lúc Tổ quốc gian khó nhất, là khi nhân dân cần chúng ta nhất. GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính đã chọn con đường của nhiều trí thức yêu nước cùng thời, trở về phụng sự quê hương.

Trở về Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sư phạm, bà giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Đại số (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). “Tôi đã dốc sức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho nhà trường, đồng thời tham gia viết chương trình cho bộ môn, phân công giảng dạy. Những năm tháng đó qua đi trong khó khăn chung của cả nước, tôi tự hào mình đã làm được nhiều việc cho nghề, giáo dục và cho Toán học”, GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính hồi tưởng.

Trong số nhiều cống hiến cho giáo dục, có thể kể đến bản luận án viết tay của của bà có tên “Gr-Catégories” (Gr-Phạm trù), gửi cho thầy giáo – GS Toán học nổi tiếng Alexandre Grothendieck năm 1973. Mới đây bản luận án này được đưa về xuất bản tại Việt Nam.

Trong lời giới thiệu về “Gr-Catégories”, GS Hà Huy Khoái – nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam chia sẻ, tác giả luận án tiến hành những nghiên cứu khoa học ở tầm rất cao trong điều kiện cô lập với cộng đồng quốc tế, thiếu thông tin, tài liệu và những phương tiện tối thiểu nhất như bút giấy, ánh sáng.

Là nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam, cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học, GS Hoàng Xuân Sính được phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo nhân dân”; được Chính phủ Pháp tặng “Huân chương Cành cọ Hàn lâm” vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học Pháp – Việt. Ngoài nghiên cứu và giảng dạy Toán học, GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính còn có đóng góp lớn vào việc hình thành Giải thưởng Kovalevskaya trao tặng các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam.

GS Lê Thị Thanh Nhàn nhận hoa chúc mừng từ lãnh đạo Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Nghị lực phi thường
GS Lê Thị Thanh Nhàn được trao danh hiệu “Giáo sư” năm 2015, khi đang công tác tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Thời điểm đó, GS Nhàn là nữ giáo sư Toán học thứ hai của Việt Nam sau GS Hoàng Xuân Sính. Được công nhận giáo sư ở tuổi 45, GS Nhàn là minh chứng sống động cho nghị lực phi thường của người phụ nữ vượt khó khăn, giữ tinh thần lạc quan để vươn lên đạt được những thành tựu khoa học.

Phát biểu tại Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh “Giáo sư”, “Phó giáo sư” năm 2015, GS Lê Thị Thanh Nhàn cho biết bản thân bà có tình yêu đặc biệt với Toán học. Thành công của bà ngày hôm nay bắt đầu từ sự yêu thích Toán học cùng nghị lực vươn lên, vượt khó.

GS Lê Thị Thanh Nhàn sinh ra trong gia đình nghèo, có 5 người con, lớn lên từ bữa đói, bữa no, từng phải đi bắt cua, cất vó, kiếm củi, trồng rau, mót lúa… Và trong những tháng ngày khốn khó, thiếu thốn về vật chất và tinh thần đã nhen lên ngọn lửa đam mê Toán học. Những tình cảm ấm áp, yêu thương, sẻ chia của các thầy cô giáo và bạn bè khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và tình yêu Toán học đã đem đến cho GS Nhàn trái ngọt khoa học.

Nghị lực vượt khó vươn lên của GS Lê Thị Thanh Nhàn cũng là lời khuyên với các bạn trẻ, nhất là phụ nữ có gia đình. Bởi nếu không say mê khoa học, khó có thể vượt qua được những trở ngại trong cuộc sống. Cùng đó, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, cần trân trọng hơn nữa và đánh giá xứng đáng giá trị các sản phẩm khoa học, nhất là các công trình khoa học cơ bản.

Riêng với phụ nữ khu vực miền núi nên có chính sách ưu tiên, hỗ trợ hợp lý để họ có thêm những cơ hội được tham gia và cống hiến cho khoa học. GS mong ngày càng có nhiều tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm và tổ chức giải thưởng nhằm tôn vinh, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các nhà khoa học nữ, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.

GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn sinh tại Thái Nguyên, tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và được giữ lại làm giảng viên khi mới 20 tuổi; trở thành thạc sĩ, tiến sĩ khi chưa quá tuổi 30; năm 35 tuổi được phong hàm PGS.TS Toán học. Bà có hơn 20 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí. Viện Toán học Pháp, Viện Vật lý lý thuyết của Italia và Thụy Sĩ mời bà sang nghiên cứu. Năm 2011, bà nhận được giải thưởng Kovalevskaya lần thứ 26.

GS Tạ Thị Hoài An luôn khát vọng vươn lên trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Toán học có sức hút kỳ lạ
GS Tạ Thị Hoài An, 51 tuổi, quê ở Nam Đàn, Nghệ An – là người phụ nữ thứ ba được phong hàm Giáo sư Toán học (năm 2023) ở Việt Nam. Theo đó, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngày 6/11 công bố danh sách 588 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư (không tính các ứng viên ngành An ninh và Quân sự). Trong đó, ngành Toán học có 2 người đạt chuẩn giáo sư là bà Tạ Thị Hoài An và ông Đoàn Thái Sơn, cùng công tác tại Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bà Tạ Thị Hoài An trở thành nữ GS Toán học thứ 3 của Việt Nam, sau GS Hoàng Xuân Sính (được công nhận năm 1980) và GS Lê Thị Thanh Nhàn (năm 2015). Bà Hoài An tốt nghiệp Trường Đại học Vinh năm 1993, bảo vệ tiến sĩ năm 2001 dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Hà Huy Khoái – nguyên Viện trưởng Viện Toán học. Giai đoạn này, bà là giảng viên Đại học Vinh. Từ năm 2001 đến 2004, bà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, dưới sự bảo trợ của GS Julie Wang. Sau đó, bà An quay lại giảng dạy ở Trường Đại học Vinh.

Quyết tâm theo tiếng gọi của Toán học, từ năm 2005 đến nay, bà Tạ Thị Hoài An làm việc tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bà được công nhận chức danh PGS, giành giải thưởng của Viện Toán học và học bổng cho nghiên cứu xuất sắc từ Quỹ Humboldt (Đức) vào năm 2009. Năm 2015, bà An nhận bằng tiến sĩ khoa học của Đại học Clermont Ferrand 2 Blaise Pascal (Pháp).

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của bà An gồm: Lý thuyết Nevanlinna và ứng dụng, tính suy biến của ánh xạ giải tích, các bài toán về xấp xỉ Diophant. Bà đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; công bố 33 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín và xuất bản hai cuốn sách về Toán.

GS Tạ Thị Hoài An cho rằng Toán học có sức hút kỳ lạ, chặng đường đến và gắn bó với Toán học của bà đã nói lên điều đó. Nhắn gửi các bạn trẻ, GS Tạ Thị Hoài An cho rằng, học tập hay nghiên cứu trong bất kỳ lĩnh vực khoa học nào cũng cần sự say mê và chấp nhận những gian khó, không để ngoại cảnh tác động. Với GS Hoài An, Toán học và Giáo dục luôn song hành, ngoài nghiên cứu khoa học bà cũng tham gia thỉnh giảng tại nhiều trường đại học.

Bà Tạ Thị Hoài An là người phụ nữ thứ ba được công nhận là giáo sư Toán học ở Việt Nam trong gần 70 năm qua. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của bà gồm: Lý thuyết Nevanlinna và ứng dụng, tính suy biến của ánh xạ giải tích, các bài toán về xấp xỉ Diophant. Bà đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; công bố 33 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín và xuất bản hai cuốn sách về Toán.

Dĩ Hạ (thực hiện)

8 Tháng Ba, 2024 | 10:39