Khắc phục điểm yếu dạy học Tiếng Anh
Trong Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12.
Đây là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; góp phần phát triển các năng lực chung để sống, làm việc hiệu quả hơn và học tập tốt các môn học khác, cũng như học suốt đời.
Tầm quan trọng của môn Tiếng Anh được thể hiện qua vị thế trong chương trình giáo dục; là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc và cũng xuất hiện trong hầu hết kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở địa phương… Ngoại ngữ, trong đó có Tiếng Anh là một trong số ít môn học được ưu ái có hẳn đề án quốc gia nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học.
Trong những năm qua, chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng có chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên chưa được như kỳ vọng. Một trong những minh chứng mang tính định lượng là điểm thi tốt nghiệp THPT môn học này luôn ở tốp thấp nhất. Kết quả thi cũng thể hiện sự chênh lệch rõ ràng giữa các vùng miền trong dạy học tiếng Anh…
Điểm yếu của người học được nói đến nhiều nhất là kỹ năng nghe – nói, giao tiếp. Nguyên nhân từ cách dạy học vẫn thiên về ngữ pháp, hàn lâm; học sinh ít có cơ hội thực hành để rèn luyện, phát triển kỹ năng, tự tin giao tiếp… Xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ là giải pháp quan trọng khắc phục điểm yếu này.
Hiện, các nhà trường, địa phương khá chủ động, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, giúp học sinh được “nhúng” mình vào môi trường ngoại ngữ, trải nghiệm và sử dụng trong thực tế. Một số hoạt động khá hiệu quả như: Củng cố kiến thức đã học qua sinh hoạt câu lạc bộ; thực hành giao tiếp tại các buổi dã ngoại; tiếp cận qua hoạt động tại thư viện ngoài trời, học môn học khác; giao lưu sinh hoạt ngoại khóa, biên soạn, thiết kế, trình bày tạp chí…
Trong số đó, câu lạc bộ tiếng Anh là hình thức được nhiều trường quan tâm triển khai nhằm củng cố, phát triển kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm cho học sinh; xây dựng lực lượng nòng cốt cho các hoạt động ngoại khóa khác trong trường. Những hoạt động phong phú, sôi động của câu lạc bộ đã thu hút học sinh tham gia, tạo môi trường để giao lưu, gặp gỡ, thực hành tiếng Anh; từng bước nâng cao sự tự tin, năng động, lý thú trong việc học và sử dụng ngoại ngữ.
Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Sổ tay hướng dẫn xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ. Được biên soạn bởi các chuyên gia, nhà quản lý nhiều kinh nghiệm trong xây dựng cộng đồng thực hành sử dụng ngoại ngữ. Đây là tài liệu quý, giúp nhà trường tổ chức hoạt động học tiếng Anh hiệu quả.
Tuy nhiên, vì hầu hết là hoạt động ngoài giờ chính khóa, nên nhận thức về vai trò của hoạt động này để từ đó quyết tâm trong chỉ đạo, triển khai của người đứng đầu nhà trường vô cùng quan trọng. Cùng đó, hiệu quả của hoạt động chỉ có được khi các bên liên quan – lãnh đạo nhà trường, đội ngũ giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh – cùng tham gia tích cực, chủ động. Chính sách động viên, khuyến khích hợp lý với giáo viên, học sinh cũng là cần thiết, tạo động lực cho thầy và trò, thúc đẩy phong trào dạy – học tiếng Anh trong nhà trường.
Theo báo Giáo dục và Thời đại