Chiều ngày 22/10, đoàn Học viên lớp Cao học Khoa Tuyên truyền K.28.2 và Nghiên cứu sinh K29.1 Học viện Báo chí và Tuyên truyền có chuyến đi nghiên cứu thực tế, khảo sát về chương trình nông thôn mới nâng cao tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Hoạt động thực tế nằm trong chương trình đào tạo của học viên trong môn học Dư luận xã hội do Tiến sĩ Vũ Hoài Phương giảng dạy. Nội dung đi thực tế là tiến hành nhiệm vụ khảo sát về chủ đề: “Hiệu quả của chương trình nông thôn mới nâng cao đối với người dân xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội”, nhằm góp phần làm rõ những kết quả đạt được của chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã Phù Linh, tìm hiểu dư luận đối với việc xã Phù Linh được công nhận đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (tháng 8/2023) và những mong muốn của người dân địa phương trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thị Lan – Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh giới thiệu khái quát về tình hình thực tế tại địa phương cũng như những phong trào toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Đồng chí Vũ Thị Lan – Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh chia sẻ tại buổi làm việc.
Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh đánh giá rất cao và ghi nhận về hoạt động đi thực tế môn học của học viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, “học phải đi đôi với hành”, “lý luận phải gắn với thực tiễn” thì hoạt động nghiên cứu thực tế là rất cần thiết.
Về quá trình thực hiện chương trình vì mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 thì xã Phù Linh đã về đích nông thôn mới vào năm 2015 và từ 2015 trở đi chúng tôi thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao, nhưng thời gian tập trung cao độ nhất là vào năm 2022 với rất nhiều những phòng trào, những sự đầu tư và rồi ngày 18/4/2022 chúng tôi có Quyết định công nhận xã Phù Linh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 19/19 tiêu chí đạt, xã Phù Linh là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới nâng cao” Bí thư Lan cho biết.
Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt 68,44 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách đạt 201,4 % tăng hơn 100%; 4/4 thôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa; Phù Linh là điểm sáng của huyện về phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng; 100% các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường Mầm non Phù Linh A đạt chuẩn mức độ 2; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,19%; 100% đường trục liên xã, liên xóm đạt bê tông hóa; tỷ lệ người qua đời hỏa táng đạt 97,8%, Bí thư Lan chia sẻ thêm.
Chúc mừng những thành tựu mà lãnh đạo xã Phù Linh đạt được, TS. Vũ Hoài Phương và học viên đưa ra một số ý kiến về vấn đề xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao tại xã Phù Linh, bên cạnh đó là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao của chính quyền địa phương.
Học viên Huang He Meng (Vân Nam, Trung Quốc) đặt câu hỏi
Học viên Võ Quốc Tuấn (Hà Nội) đưa ra một số vấn đề trao đổi với lãnh đạo xã Phù Linh về chương trình nông thôn mới nâng cao
Kết thúc buổi làm việc tại xã với những chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm tại địa phương, lãnh đạo xã cùng giảng viên, học viên của Học viện thực hiện đi khảo sát bài tập và thăm hỏi, tặng quà cho 03 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thể hiện truyền thống tương thân, tương ái, quan tâm nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần động viên, tạo động lực để hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Một số hình ảnh về hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo tại xã Phù Linh của cô và trò Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trong quá trình thực tế, học viên được thâm nhập vào đời sống thực tế để làm rõ hơn những kiến thức đã được các giảng viên giảng dạy, giúp học viên rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn để đánh giá, phân tích vấn đề cụ thể ở cơ sở, góp phần thực hiện nguyên tắc:“lý luận gắn với thực tiễn”.
Hoạt động khảo sát thực tế bằng bảng hỏi phục vụ bài học môn Dư luận xã hội về nội dung chương trình nông thôn mới tại xã Phù Linh
Học viên sẽ được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng kể cả những thuận lợi và khó khăn của người dân địa phương nhằm bổ sung lượng kiến thức thực tế vào báo cáo của mình và bên cạnh đó cũng có những đề xuất những khó khăn, thắc mắc của người dân tới lãnh đạo địa phương.
Chia sẻ về cảm nhận chuyến đi thực tế, học viên Huang He Meng (NCS K29.1, ngành Chính trị học) đến từ Vân Nam, Trung Quốc cho rằng:”Chuyến đi nghiên cứu thực tế, điều tra dư luận xã hội về xây dựng Chương trình Nông thôn mới tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã giúp em bổ sung kiến thức, bài học kinh nghiệm và giá trị tham chiếu trong thực hiện chính sách Nông thôn mới tại địa phương nơi sinh sống nói riêng và các khu vực nông thôn ở Trung Quốc nói chung. Bên cạnh đó, học viên đã được lĩnh hội nhiều kiến thức, phương pháp bổ ích của giảng viên TS. Vũ Hoài Phương về nghiên cứu và điều tra dư luận xã hội, góp phần hiệu quả cho công tác chuyên môn và nghiên cứu của học viên trong thời gian tới.
Lãnh đạo xã Phù Linh chụp ảnh lưu niệm cùng cô và trò Khoa Tuyên truyền K.28.2 và Nghiên cứu sinh K29.1 Học viên Báo chí và Tuyên truyền
Kết thúc buổi học tập thực tế, TS. Vũ Hoài Phương đã thay mặt cho lớp cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo UBND xã Phù Linh đã tạo điều kiện cho lớp học diễn ra hiệu quả và đảm bảo đúng lịch trình, hoàn thành các mục tiêu, nội dung theo kế hoạch đề ra, đồng thời mang đến những cảm xúc, trải nghiệm quý giá cho học viên Cao học Khoa Tuyên truyền K.28.2 và Nghiên cứu sinh K29.1. Qua đó, vừa trau dồi tri thức, vừa tạo ra những kỷ niệm đẹp, làm tăng tính gắn bó, đoàn kết trong quá trình học tập của các học viên.
Đức Huấn