Học sinh hứng thú với giờ học tiếng Anh sôi động
Những năm gần đây, việc giảng dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng chuyên môn và hình thức tổ chức.
Học sinh được tham gia vào các trò chơi trong suốt tiết học.
Trong tiết dạy chuyên đề tiếng Anh cấp quận của cô giáo Nguyễn Thị Lý, học sinh lớp 4A11 Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sôi nổi tham gia các hoạt động, được “nhúng” trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài như đang học với người bản xứ.
Tiết học nằm trong bài 3, sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 4 Wonderful World (Unit 3: On the farm) được tổ chức với rất nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh. Học sinh được tham gia vào các hoạt động học tập thông qua các trò chơi, giúp các em được học mà chơi – chơi mà học và đạt được mục tiêu tiết học đề ra.
Ấn tượng đầu tiên là phần trò chơi xuyên suốt từ đầu tới cuối. Cô giáo rất khéo léo sử dụng các hình gắn trên bảng, cứ kết thúc một phần cô lại sử dụng luôn các hình, các từ đó và với một phương pháp khác, một phương thức khác học sinh lại được chơi, ứng dụng lại các từ đó đến tận cuối bài.
Phần trò chơi xuyên suốt từ đầu tới cuối tiết học.
Tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô giáo đã đổi mới trong cách truyền thụ kiến thức, thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Phần chữa bài cũng rất tinh tế. Lúc cô sử dụng phương pháp truyền thống, lúc khác cô lại sử dụng công nghệ thông tin lồng ghép trò chơi để học sinh ghi nhớ. Cô giáo rất chú trọng đưa ra các câu hỏi “Tại sao con chọn đáp án ấy mà không phải là đáp án kia” để học sinh có sự so sánh, khắc sâu về những kiến thức đã học.
Để ôn lại trong tiết học trước, giáo viên đã cho học sinh chơi trò chơi “Guessing game” để học sinh được ôn lại từ vựng và mẫu câu. Các em học sinh hào hứng tham gia và thể hiện khả năng của mình. Sau mỗi hoạt động, giáo viên đều tổ chức trò chơi tổng kết để đánh giá học sinh và chuyển tiếp sang hoạt động tiếp theo.
Phần báo cáo sản phẩm học tập sau khi luyện tập nói, khuyến khích học sinh thể hiện bằng các hình thức phong phú như sáng tác bài hát trên giai điệu sẵn có, rap… Học sinh được thể hiện nội dung bài học kết hợp với sở trường của bản thân khiến các em vô cùng hứng thú.
Tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô giáo đã đổi mới trong cách truyền thụ kiến thức, thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giúp học sinh thông qua bài học có thể vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.
Trong tiết dạy, cô cho học sinh luyện tập theo nhóm 2, 4 để các em có thể học tập và hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời thực hiện đổi mới trong cách đánh giá học sinh theo Thông tư 27, tăng cường cho học sinh trong lớp nhận xét và tự đánh giá lẫn nhau bằng Tiếng Anh.
Tiết dạy chuyên đề có sự tham dự của tất cả giáo viên tiếng Anh trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Cô giáo cũng đã đã sáng tạo trong dạy học phân hóa học sinh. Những học sinh tốt hơn được giao nhiệm vụ phù hợp (điều khiển việc đoán nội dung nghe của học sinh, tổ chức trò chơi, cho các bạn hát đầu giờ…) giúp các em có cơ hội thể hiện và khẳng định mình, từ đó phát huy được khả năng của bản thân.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Trong những năm qua, ngành GD-ĐT quận luôn quan tâm đến bộ môn Tiếng Anh và đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cũng như bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên, để tất cả thầy cô đều được tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực.
Nắm được chủ trương đó, Trường Tiểu học Thịnh Liệt đã luôn chú trọng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Tiếng Anh và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề, ngày hội giao lưu nên khả năng dạy học của giáo viên ngày càng được nâng lên về chất lượng.
Sau tiết dạy chuyên đề, giáo viên của các trường học trong quận đã cùng nhau tham gia thảo luận sôi nổi về nhiệm vụ của giáo viên tiếng Anh, đồng thời nhận được những góp ý về chuyên môn của Phòng GD&ĐT. Tiết chuyên đề đã giúp các giáo viên hiểu rõ hơn về chương trình mới và đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tiếng Anh được dạy ở cấp Tiểu học là một môn học bắt buộc bắt đầu từ lớp 3, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ thông qua cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó việc rèn kĩ năng viết được chú trọng.
theo báo Giáo dục &Thời đại