Học sinh đầu cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh
Dự báo năm nay, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng mạnh, khoảng 70.000 em so với năm học 2023-2024. Riêng học sinh vào lớp 6 tăng 58.000 em.
Ảnh minh họa.
Năm học 2024-2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 7.000; học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 58.000; học sinh vào lớp 10 tăng khoảng 5.000 em so với năm ngoái.
Nhu cầu về chỗ học và áp lực tuyển sinh năm học 2024-2025 của thành phố Hà Nội được dự đoán tiếp tục tăng, đòi hỏi chính quyền các cấp và ngành GD&ĐT cần chủ động, tăng cường hơn nữa các giải pháp trong xây dựng mới các trường học, bổ sung các đơn nguyên cho các nhà trường.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng.
Bình quân mỗi năm, thành phố Hà Nội tăng thêm khoảng 50.000 đến 60.000 học sinh. Tính đến năm học 2023-2024, quy mô giáo dục mầm non và phổ thông của thành phố Hà Nội là 2,3 triệu học sinh. Thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.800 trường học các cấp, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh các cấp học.
Tuy nhiên, tại một số địa bàn đông dân cư, các khu đô thị mới, khu tái định cư vẫn còn hiện tượng trường, lớp quá tải; sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định tại điều lệ trường học do Bộ GD&ĐT quy định.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể số học sinh trong mỗi lớp học theo hướng giảm sĩ số học sinh trên lớp; bảo đảm mỗi lớp học ở các cấp THCS và THPT có không quá 45 học sinh; ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh.
Thực hiện quy định này và chủ động chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng định hướng phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ chủ động, tích cực phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố xác định quỹ đất để xây dựng thêm trường học.
Đồng thời, ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học; ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư và khu vực đông dân cư để xây dựng thêm trường học.