Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: 300 năm nhìn lại
Cuộc đời và sự nghiệp y học, văn học của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một minh chứng tiêu biểu cho tinh thần tự học và học tập suốt đời.
Khu lăng mộ cùng tượng đài của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nằm ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y, chúng ta nhìn nhận lại những đóng góp có ý nghĩa của cụ với dân tộc và nhân loại. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin bàn đến những đóng góp về văn học.
1.
Lê Hữu Trác, hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, quê làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nhưng sự nghiệp gắn liền với quê ngoại Hương Sơn – Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong gia đình Nho học khoa bảng, nhưng lớn lên giữa giai đoạn lịch sử đầy biến động, chế độ phong kiến khủng hoảng (Lê, Trịnh, Tây Sơn…) khiến Lê Hữu Trác không mấy mặn mà với công danh khoa cử, ngoài 20 tuổi đã chuyên tâm nghiên cứu nghề thuốc nhằm chữa bệnh cứu người.
Sự nghiệp y học và văn học được tập hợp trong bộ Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh, bộ sách là công trình y học tiêu biểu thời trung đại gồm có 66 quyển: Với hàng ngàn phương thuốc và cách chữa bệnh như Vệ sinh quyết yếu, Y hải cầu nguyện, Hải giản trân nhu, gồm 2210 phương thuốc đơn giản trị 126 loại bệnh, Bách gia trân tàng, gồm 644 bài thuốc kinh nghiệm, Tâm đắc thần phương, gồm 70 bài thuốc chọn lọc, Hiệu phỏng tân phương, Y dương án, Y âm án, Nữ công thắng lãm, Thượng kinh ký sự.
2.
Thượng kinh ký sự được xếp cuối bộ Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh, đây là tác phẩm kí viết bằng chữ Hán có giá trị nhiều mặt về y học, lịch sử, văn học được hoàn thành năm 1783, ghi lại hành trình và những ngày Lê Hữu Trác được mời về kinh chữa bệnh cho gia đình chúa Trịnh. Bằng thể loại văn học phi hư cấu, Lê Hữu Trác vừa kể vừa tả quang cảnh và cung cách sinh hoạt trong phủ chúa với những trang viết rất giàu giá trị hiên thực.
Bức tranh về phủ chúa vừa có những nét bao quát chung vừa tỉ mỉ với những chi tiết đắt giá, theo bước chân và suy nghĩ của người viết những thước phim về quang cảnh xa hoa, lộng lẫy nơi phủ chúa lần lượt hiện ra: “Tôi ngẩng đầu lên: Đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương… Tôi nghĩ bụng: Mình vốn con quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết Chỉ có những việc trong phủ chúa là mình chỉ mới nghe nói thôi. Bước chân đến đây mới hay cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường!”.
Bên trong phủ chúa, người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan qua lại như mắc cửi, qua rất nhiều lần cửa, vị lương y già mới vào đến nơi với những công trình nguy nga, tráng lệ, tất cả đều sơn son, thếp vàng: “Qua dãy hành lang phía Tây, đến một cái nhà lớn thật là cao và rộng. Hai bên là hai cái kiệu để vua chúa đi. Đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng. Ở giữa đặt một cái sập thếp vàng. Trên sập mắc một cái võng điều. Trước sập và hai bên, bày bàn ghế, những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy… Lại qua một cửa nữa, đến một cái lầu cao và rộng. Ở đây, cột đều sơn son thếp vàng”.
Cùng với đó là những lễ nghi, khuôn phép cũng như những lời lẽ tôn kính khi nói về chúa đã phần nào hé lộ về uy quyền của nhà chúa. Khi được mời ăn cơm thì mâm vàng chén bạc, của ngon vật lạ khiến Lê Hữu Trác thầm nghĩ: Tôi bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cho rằng: Đất Thăng Long, nơi có cuộc sống kiêu xa của giai cấp thống trị…và cũng chính nơi mà Lê Hữu Trác đã sống suốt cả một quãng đời trai trẻ… Bởi vậy, ông có cái nhìn khách quan, ít nhiều sắc lạnh trước cuộc sống kiêu xa kia, nhưng mỗi khi sống lại những kỷ niệm thân thương ngày xưa, thì niềm trìu mến của ông bỗng dâng tràn. Lúc ấy, ngòi bút của ông vượt khỏi cái nhìn có ý nghĩa phê phán mà chuyển sang một cái nhìn đầy rung cảm, trữ tình. Hai mặt hiện thực và trữ tình quyện chặt với nhau làm thành một phong cách độc đáo của Thượng kinh ký sự.
Khi đến thăm bệnh cho thế tử, tác giả đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, nhất là trước sự xa hoa của gia đình nhà chúa. Ngòi bút sắc sảo của Lê Hữu Trác đã ghi lại một cách chân thực nhất về một giai đoạn lịch sử của đất nước, khung cảnh sinh hoạt ấy đối lập hoàn toàn với cuộc sống cùng khổ của nhân dân lúc bấy giờ: “Đi qua độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy, đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cái sập thếp vàng. Một người ngồi trên sập độ năm, sáu tuổi, mặc áo lụa đỏ. Có mấy người đứng hầu hai bên. Giữa phòng là một cây nến to cắm trên một cải giả bằng đồng. Bên sập đặt một cái ghế rồng sơn son thếp vàng, trên ghế bày nệm gấm. Một cái màn là che ngang sân. Ở trong có mấy người cung nhân đang đứng xúm xít. Đèn sáp chiếu sáng, làm nổi màu mặt phấn và màu áo đỏ. Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt Xem chừng Thánh thượng thường thường vẫn ngồi trên ghế rồng này, nay người rút lui vào màn để tôi xem mạch Đông cung cho thật kĩ”.
Khi nói về bệnh tình thế tử, lương y Lê Hữu Trác đã bộc lộ những kinh nghiệm dày dặn trong nghề cũng như lương, tâm đức độ của người thầy thuốc để trị bệnh, cứu người. Cách chữa và bài thuốc của cụ khác hẳn với cách chữa trị của các vị lương y của phủ chúa: “Thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi. Vả lại, bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò. Đó là vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức…
Tôi thấy thánh thể gầy, mạch lại tế, sác. Thế là âm dương đều bị tổn hại, nay phải dùng thuốc thật bổ để bồi dưỡng tì và thận, cốt giữ cái căn bản tiên thiên và làm nguồn gốc cho cái hậu thiên. Chính khí ở trong mà thắng thì bệnh ở ngoài sẽ tự nó tiêu dần, không trị bệnh mà bệnh sẽ mất”.
Mặc dù khen sự lộng lẫy, giàu sang nơi phủ chúa nhưng Lê Hữu Trác tỏ ra dửng dưng trước quyến rũ vật chất nơi đây, ý muốn “về núi” của tác giả đã phần nào nói lên thái độ không đồng tình với cung cách sinh hoạt, cuộc sống xa hoa, trái tự nhiên của gia đình nhà chúa. Lê Hữu Trác không chỉ là một thầy thuốc dày dặn kinh nghiệm mà còn là người coi thường danh lợi.
Ngày 21/11/2023 tại kỳ họp đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết vinh danh kỷ niệm các danh nhân và sự kiện văn hóa trong đó có đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam thời trung đại: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 1791). Việc ghi nhận và vinh danh này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khẳng định vị thế con người Việt Nam có đóng góp trên nhiều lĩnh vực đối với nhân loại. Trong ảnh là đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp.
3.
Bên cạnh những trang văn giàu giá trị hiện thực, Lê Hữu Trác còn là nhà thơ trữ tình sâu sắc, nhiều bài thơ trong cuốn Thượng kinh ký sự cũng như ngoài tập sách đó là minh chứng. Với khoảng trên 50 bài thơ chữ Hán chủ yếu viết theo thể Đường luật, Lê Hữu Trác đã thể hiện một tâm hồn thơ phóng khoáng, giàu cảm xúc nhưng chân thành, giản dị, chan chứa tình người, tình đời. Chúng ta cùng đọc lại một số bài thơ tiêu biểu trong số ấy:
Khách xá ngộ vũ cảm hoài
Cuồng phong sậu vũ hốt nhiên sinh,
Khách xá tiêu tiêu vạn lũ tình.
Viễn thụ hàm yên vân ngoại ám,
Bình hồ suy lãng thuỷ trung minh.
Qui sào mộ điểu phân quần khứ,
Hà xứ sơ chung báo hiểu minh.
Bất vị khổ trà năng khước thuỵ,
Ưng tri thử dạ mộng nan thành.
Dịch thơ
Ở nhà trọ gặp mưa cảm hoài
Mưa dồn gió dập bất thình lình,
Quán khách càng thêm bối rối tình.
Ngoài dẫy cây xa mây kín mít,
Trước hồ sóng gợn nước long lanh.
Tổ nọ chim về vừa chập tối,
Chùa nào chuông đã báo tàn canh.
Nào phải uống trà mà tỉnh ngủ,
Đêm nay vẫn biết mộng không thành.
(Nguyễn Trọng Thuật dịch)
Thủ (bài 50)
Nhất biệt giang hương tam thập thu,
Như kim phục đổ cựu thời du.
Hà đình dạ độ hoàng hoa ngạn,
Đặng xá ngư thôn bạch lộ châu.
Hương tích nam phù ngưng vãn thuý,
Tuyết sơn tây xuất tẩm hàn lưu.
Sơn tăng nhược thức ngâm hoài khổ,
Bất hứa chung thanh đáo khách chu.
Dịch thơ
Làng xa sông cách mấy đông,
Ngày nay trở lại trông mòng chốn xưa,
Hà đình bến cũ bụi hoa,
Thôn chài Xã Đặng bãi xa giũa đồng,
Nam nhô Hương Tích biếc trông,
Tuyết Sơn tây hiện triền sông chảy dài,
Sơn tăng biết khách tình hoài,
Thuyền vang đừng để động vài tiếng chuông.
(Lương Trọng Nhân dịch)
Đặc biệt là bài thơ Ngộ cố nhân được viết nhân chuyến ra Thăng Long chữa bệnh cho nhà chúa, Lê Hữu Trác gặp lại cô gái trước đây mình đã dạm hỏi nhưng tình duyên không thành. Cô gái ấy sau đó cũng không lấy chồng mà đi tu, khi gặp lại đã là vị sư già, Lê Hữu Trác không khỏi ngậm ngùi, chua xót:
Ngộ cố nhân
Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,
Kim nhật tương khan khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,
Song mâu xuân tận hiện hình hoa.
Thử sinh nguyện tác càn huynh muội,
Tái thế ưng đồ tốn thất gia.
Ngã bất phụ nhân, nhân phụ ngã,
Túng thiên như thử nại chi hà.
Dịch thơ
Gửi người tình cũ
Lỡ vô tâm khiến hận người
Giật mình gặp lại nụ cười xa xưa
Rồi đây ta mãi dày vò
Đoá xuân tàn tạ đâu ngờ mắt xanh
Kiếp này kết nghĩa em, anh
Mộng chung chăn gối âu đành kiếp sau
Phụ người? Ai phụ ai đâu
Tình ta, ta biết cho nhau – lỡ rồi…!
(Hải Như dịch)
4.
Có thể khẳng định ngoài những đóng góp lớn lao về y học, Lê Hữu Trác còn là nhà văn lớn của thời kỳ trung đại, đặc biệt với những đóng góp với thể loại văn xuôi chữ Hán. Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn lời nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc: Qua tập truyện (có xen lẫn những bài thơ), có thể thấy Lê Hữu Trác là một con người nhân ái, thanh cao, một thầy thuốc xuất sắc, và là một nhà văn giàu cảm xúc…
Ở những trang miêu tả cuộc sống trong phủ chúa, ông có vẻ không phê phán một cái gì cả, nhưng những điều được ông nói đến một cách chân xác, tinh tế; tự nó lại có ý nghĩa phê phán sâu sắc. Hình ảnh những cung điện kiêu xa cùng những con người nhiều quyền thế ở trong đó, “đã gây cho người đọc cái cảm giác nặng nề, khó chịu, đến nỗi muốn thét to lên cho nó vỡ tan đi”.