Hà Nội gửi 5 thông điệp trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023
Chiều 2/10, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 với chủ đề Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số.
Các đại biểu gửi thông điệp của tuần lễ học tập suốt đời năm 2023
Dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, bà Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT; ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo Hội khuyến học thành phố, lãnh đạo các ban ngành, địa phương cùng đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh.
5 thông điệp được ngành GD-ĐT Hà Nội gửi tới Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 gồm: “Học tập suốt đời – Chìa khóa của mọi thành công”; “Trong cách học phải lấy tự học làm cốt”; “Tự học là một cách xây dựng xã hội học tập”; “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”; “Chuyển đổi số để xây dựng thành công một xã hội học tập mới”.
Văn nghệ chào mừng.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu. Chính phủ và các ban, ngành đã tạo những điều kiện cần thiết cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục được phát triển, bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, từ đó xây dựng xã hội học tập.
Theo ông Trần Thế Cương, để đáp ứng nhu cầu tự học của mọi người dân, ở nước ta, việc chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, ngành Giáo dục cần đưa ra những giải pháp, chiến lược mang tính dài hạn, có lộ trình cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho việc học tập suốt đời của mọi người dân trên nền tảng công nghệ số.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát động Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2023.
Trong đó, giải pháp điển hình là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục; khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục – đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau, huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với các kho học liệu quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ngành giáo dục có kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Giáo viên và học sinh quận Cầu Giấy với tiểu phẩm tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đưa kiến thức đến với người dân một cách dễ dàng mà còn kịp thời hỗ trợ các kỹ năng cần thiết để bất kỳ ai cũng có thể trở thành một công dân của thời đại số, một công dân toàn cầu.
Việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ đem lại cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học, kể cả học sinh nghèo và khuyết tật, để không một ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng có cơ hội để phát triển bản thân, tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Đặc biệt, đây còn là yêu cầu đối với việc xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số, góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Phát biểu hưởng ứng trong lễ khai mạc, ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục quận quyết tâm thực hiện Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 của bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả.
theo báo Giáo dục &Thời đại