Hà Nội: Các trường học đã sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024

Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2023-2024, đồng thời xây dựng kế hoạch, ưu tiên triển khai mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành.

Trường THCS Đan Phượng đón học sinh lớp 8 năm học 2023-2024. Ảnh: VGP/Minh Anh

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục
Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục phát triển. Toàn Thành phố hiện có 2.840 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Tính đến tháng 6-2023, toàn Thành phố có 72,4% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là năm học thứ hai, Thành phố thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông, năm học trước các trường đã thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.

Với quy mô 33 lớp học cùng trên 1.500 học sinh và 80 cán bộ, giáo viên, đến thời điểm này trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới phù hợp với sự chỉ đạo của các cấp về việc tổ chức một lễ khai giảng trang trọng, phấn khởi, ấm áp dành cho học trò nhưng không nặng nề, phô trương.

Về mục tiêu kế hoạch năm học 2023-2024, trường THPT Hoàng Cầu xác định tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Đồng thời chú trọng đầu tư vào việc giáo dục, trang bị về kỹ năng sống, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Nhà trường sẽ thực hiện tổng kết 05 năm xây dựng Trường học Hạnh phúc (2018-2023) và triển khai giai đoạn 2 của xây dựng trường học Hạnh phúc (2023-2028).

Đối với trường THCS Nam Từ Liêm, nhà trường đã tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đẩy mạnh dạy học trải nghiệm, thực hành cho học sinh. Đáng chú ý, nhà trường đã xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với đặc thù của trường chất lượng cao, bao gồm các chương trình: Chương trình chính khóa, chương trình bổ sung nâng cao, chương trình Ngoại ngữ 2 (tiếng Trung, Nhật, Hàn), chương trình trải nghiệm, chương trình giáo dục kỹ năng sống. Bên cạnh đó, tập trung bồi dưỡng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, chăm sóc sức khỏe tinh thần nhằm tạo động lực nuôi dưỡng đam mê, trách nhiệm của các nhà giáo trong công việc; tổ chức sự kiện chào đón học sinh lớp 6 nhằm tạo tinh thần phấn khởi cho các em học sinh mới…

Thầy Bùi Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường THCS Đan Phượng, huyện Đan Phượng chia sẻ, hè năm 2023, nhà trường được đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất tổng kinh phí gần7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã chi hơn 200 triệu đồng để sửa sang, tu bổ cơ sở vật chất, rà soát các điều kiện ở trong lớp học như hệ thống điện, bàn ghế, các thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, đồng thời thực hiện chỉnh trang về cảnh quan, môi trường, tạo tâm thế thoải mái cho các học sinh để các em tựu trường và đón ngày khai giảng. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại mọi công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng và đón các em học sinh bước vào năm học mới đã được chuẩn bị sẵn sàng nhằm thực hiện tốt kế hoạch đề ra.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tại cấp tiểu học, điển hình như trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng và đón các em học sinh bước vào năm học mới cũng đã được nhà trường chuẩn bị tốt từ sớm. Cô giáo Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trong dịp hè, nhà trường đã dành thời gian, kinh phí để sửa chữa, thay thế những thiết bị hỏng hóc, kém chất lượng có nguy cơ mất an toàn trong nhà trường, mua sắm mới những thiết bị, hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu.

Đặc biệt, trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã dành nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học cho giáo viên và học sinh lớp 4, rà soát, bổ sung thêm những thiết bị dạy học cho các lớp 1, 2, 3 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả tránh lãng phí để đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường luôn tự trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho mình. Tích cực tham gia các lớp tập huấn do ngành, cấp trên tổ chức.

“Đối với các giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tiếp cận sách giáo khoa mới, phương pháp giảng dạy mới, bám sát Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng phân phối chương trình, giáo viên soạn – giảng mẫu để từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế giảng dạy…”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho hay.

Khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp dạy học

Bên cạnh những chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công tác chuyên môn, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đang còn gặp phải những khó khăn nhất định như có trường phát triển nhanh do dân số trong tuyến tuyển sinh gia tăng cơ học cao dẫn đến nguy cơ thiếu phòng học, thiếu đội ngũ; đời sống của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn do mức lương thấp, đặc thù lao động cả ngày với trẻ nhỏ nên điều kiện sức khỏe nhiều thầy cô bị giảm sút; một số môn học như Tin học, Lịch sử, Địa lý, Mĩ thuật còn thiếu giáo viên, đồng thời khó khăn nguồn giáo viên; việc tổ chức dạy học môn khoa học tự nhiên cũng còn gặp một số bất cập chưa hiệu quả do đội ngũ giáo viên đa số chỉ được đào tạo một chuyên ngành….

Một số hiệu trưởng các nhà trường cho hay, nhiều trường học hiện nay cũng còn hạn chế về diện tích sử dụng, chưa được đầu tư xây mới và mở rộng khuôn viên nên gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô lớp học, triển khai các hoạt động tập thể…

Trước thực tế trên, các nhà trường kiến nghị, mong muốn đối với ngành Giáo dục, với địa phương tăng cường xây thêm trường lớp; tăng cường bổ sung đội ngũ giáo viên đồng thời quan tâm, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm trong ngành giáo dục… để hoàn thành những mục tiêu của năm học mới được tốt nhất.

Thầy cô trường THCS Văn Quán (quận Hà Đông) đón học sinh lớp 6 năm học 2023-2024. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng trường THCS Văn Quán, quận Hà Đông cho hay, trước tốc độ phát triển cơ học về dân số của quận Hà Đông nói chung và của phường Văn Quán nói riêng, số học sinh, số lớp của nhà trường mỗi năm gia tăng nên có những khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Mặt khác, trong giai đoạn đổi mới chương trình giáo dục, để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường có mong muốn, đề xuất đối với ngành Giáo dục đầu tư tập trung đào tào kịp thời đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên đã có để đáp ứng giảng dạy và đủ giáo viên theo môn học trong Chương trình. Tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề về đổi mới quản lý, đổi mới chương trình, đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy học để cán bộ quản, giáo viên được trao đổi học tập.

Đối với chính quyền địa phương, Hiệu trưởng trường THCS Văn Quán cũng mong muốn tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu, đầu tư kinh phí cho các cơ sở giáo dục mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy; có chính sách khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng cho những giáo viên có thành tích, giúp giáo viên thêm yêu nghề và gắn bó với trường. Bên cạnh đó, xây dựng chế tài cụ thể cho những cán bộ quản lý, giáo viên yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ…

Trường Mầm non Văn Khê, quận Hà Đông tập trung bồi dưỡng chuyên môn, chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hiệu trưởng trường Mầm non Văn Khê (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Mơ cũng mong muốn các cấp lãnh đạo quận Hà Đông và Thành phố, trong năm học 2023-2024, tiếp tục quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho năm học, đặc biệt đối với những đơn vị có nhiều điểm trường. Ngành giáo dục cũng cần tham mưu với các cấp lãnh đạo quan tâm đến chế độ chính sách tiền lương để nâng cao đời sống đối với đội ngũ nhân viên đặc biệt là nhân viên nuôi dưỡng đang làm việc tại các trường mầm non. Tiếp tục tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn về áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến cho đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn, hội nhập quốc tế và chuyên đề xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường theo hướng tiếp cận đa văn hóa phù hợp với trẻ mầm non…

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cũng nhận định, so với yêu cầu phát triển, giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm như còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số học sinh/lớp ở một số trường cao hơn quy định; còn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương…

Chính vì vậy, năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà đã yêu cầu ngành Giáo dục cần xây dựng kế hoạch chi tiết và các chương trình chuyên đề để thực hiện tốt nhiệm vụ; rà soát quy hoạch, tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kế hoạch; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND Thành phố về giá dịch vụ giáo dục; rà soát, tham mưu Thành phố trình HĐND thành phố các cơ chế chính sách đặc thù…

Bà Vũ Thu Hà cũng đề nghị ngành Giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường…

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Chính phủ

21 Tháng Tám, 2023 | 10:14
Theo giaoducthoidai.vn