Gỡ khó cho đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam
Chiều 12/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về đào tạo trình độ tiến sĩ.
Nghiên cứu tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, cùng đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thiếu cơ chế, chính sách
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu ghi nhận những kết quả, chuyển biến tích cực trong đào tạo trình độ tiến sĩ tại Việt Nam. Hiện, chuẩn đầu ra trình độ tiến sĩ đã được quy định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, về cơ bản gần như tương thích và phù hợp với Khung tham chiếu các trình độ ASEAN và Khung trình độ Châu Âu.
Qua đó, bảo đảm cho nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm để bắt đầu triển khai, tiến hành nghiên cứu khoa học một cách độc lập.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần được tháo gỡ bằng những giải pháp tổng thể; trên hết cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan.
Toàn cảnh cuộc họp.
Ông Đỗ Chí Nghĩa – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, sau 1 năm tiến hành khảo sát, giám sát, Ủy ban nhận thấy, hạn chế nguồn lực đầu tư là nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nghiên cứu sinh không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng; thậm chí còn được nhận lương khi tham gia trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn. Trong khi đó, nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo. Ngoài ra, đâu đó vẫn có người học tiến sĩ theo xu hướng “chạy theo bằng cấp” để được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm chức vụ.
Ông Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại cuộc họp.
Cần đầu tư từ sớm, từ xa
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, nghiên cứu sinh là đối tượng cần được áp dụng chính sách học bổng nhất, bởi đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa cho đất nước. Tuy nhiên, việc áp dụng học bổng với đối tượng này đang gặp khó khăn.
“Làm sao để có cơ chế chính sách thu hút, học bổng dành cho đào tạo tiến sĩ” – Thứ trưởng trăn trở; đồng thời đặt vấn đề, muốn có chất lượng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về việc đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa, với sự tham gia của nhiều bên, trong đó có Chính phủ, Quốc hội.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần kiểm soát đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đầu ra. Có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng. Thực hiện tốt các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên có năng lực. Tăng cường nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư công cho nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp.
Bộ GD&ĐT đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm lồng ghép chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo trình độ tiến sĩ trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật.
Bộ cũng kiến nghị Quốc hội Ban hành Nghị quyết về lộ trình nâng tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học. Trên cơ sở đó tăng định mức đầu tư cho đào tạo tiến sĩ nói riêng và đào tạo đại học nói chung.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho giáo dục đại học, bao gồm cả việc thực hiện cơ chế hợp tác công tư; tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Chỉ đạo rà soát, nghiên cứu giảm đầu mối các cơ sở đào tạo tiến sĩ, tập trung vào những cơ sở đào tạo có uy tín và tiềm lực nghiên cứu khoa học mạnh; đẩy mạnh hậu kiểm, hoàn thiện cơ chế kiểm soát có hiệu quả chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề, đào tạo trình độ tiến sĩ cần có Chuẩn, với những tiêu chí rõ ràng để có thể so sánh với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, mức đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học nói chung và đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng vẫn còn thấp. Cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, tài năng chưa tương xứng. Nguồn lực hạn chế, cơ chế chính sách chưa tốt… là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp.
Phó Thủ tướng gợi mở, cần nghiên cứu cơ chế chính sách “đặt hàng” đào tạo tiến sĩ ở một số lĩnh vực, trong đó có những ngành khoa học cơ bản. Có giải pháp khuyến khích người giỏi, tài năng tham gia làm nghiên cứu sinh và làm giảng viên.
Muốn vậy phải có chiến lược rõ ràng và đầu tư từ sớm, từ xa. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút đầu tư cho các cơ sở đào tạo, làm sao để ngày càng có nhiều nhà khoa học thực sự tâm huyết. Giải quyết bài toán này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ coi cơ sở giáo dục đại học là “vườn ươm”, đồng thời giao nhiệm vụ cho các trường trong đào tạo tiến sĩ và phát triển khoa học, công nghệ.
Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho cơ sở đào tạo tiến sĩ; có chính sách hỗ trợ học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước theo tiêu chuẩn đề ra; tăng cường triển khai chính sách gắn việc giao đề tài, nhiệm vụ khoa học với đào tạo tiến sĩ; xây dựng cơ chế phân bổ kinh phí nghiên cứu cho các cơ sở giáo dục đại học tương xứng với năng lực và kết quả công bố khoa học. |
Minh Phong