Giáo viên mong muốn đồng bộ cơ chế, chính sách để nâng cao đời sống
Đồng bộ, quyết liệt trong chuyển đổi số, thực hiện Chương trình mới; tăng lương, phụ cấp… – được giáo viên Hải Phòng bày tỏ mong muốn.
Thực hiện chương trình mới còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô luôn nỗ lực đảm bảo chất lượng.
Đồng bộ trong chuyển đổi số
Cô Ngô Thị Bích Hương, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Trần Phú, thành phố Hải Phòng chia sẻ, năm học 2022-2023, triển khai thực hiện tốt chương trình GDPT 2018, nâng cao đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, vị thế của giáo dục Hải Phòng tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ.
Chuyển đổi số toàn ngành giáo dục là một nhiệm vụ lớn, có tính đột phá, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Cụ thể là việc chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá thông qua việc số hóa học liệu, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, thực hiện sổ điểm, học bạ điện tử. Nếu các ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục chủ yếu là những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt thì chuyển đổi số lại yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích, kết nối với nhau, tích hợp trên cùng một nền tảng số.
Trong khi đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ở các nhà trường vẫn chưa có sự kết nối đảm bảo liên thông, hiệu quả. Ngoài ra, muốn giảm thiểu hồ sơ giấy của giáo viên thì việc hợp pháp hóa hồ sơ điện tử bằng các quy định phải đầy đủ để giáo viên thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn chưa được quy định cụ thể, còn chồng chéo.
Cô Hương mong ngành Giáo dục quan tâm, có quy định rõ, đồng thời có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Cô Bích Hương (áo hoa đỏ) cùng đồng nghiệp dự Hội nghị trao đổi cùng Bộ trưởng bộ GD&ĐT.
Sớm có hướng dẫn
Cô Hương cho rằng, là giáo viên dạy Ngữ Văn quá trình giảng dạy bộ môn theo Chương trình GDPT 2018 cô thấy được nhiều hiệu quả tích cực đối với môn học.
“Khung chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là ngữ liệu, học liệu để tham khảo. Là một giáo viên dạy văn, tôi thực sự cảm thấy điều này rất ý nghĩa.
Khi tiếp cận với chương trình mới, lối học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu được xóa bỏ. Văn học được củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật, đặc biệt lấy mục đích là phát triển tư duy hình tượng, mở rộng trí tưởng tượng, phát triển cảm xúc.
Người thầy không còn chỉ là người trao truyền kiến thức mà phải biết khơi dậy, đánh thức những năng lực, sự say mê hứng thú của học trò. Điều này xuất phát từ việc tôn trọng cảm xúc, tình cảm thực.
Môn Văn không chỉ là việc tầm chương trích cú, gọt câu tỉa chữ mà cần trở thành công cụ để phát triển con người, bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người”.
Tuy nhiên, theo cô Hương, quá trình dạy, học luôn đi liền với quá trình kiểm tra đánh giá. Việc thực hiện chương trình GDPT 2018 cấp học THPT đã triển khai thay SGK mới được một năm. Năm học 2023-2024 là năm thứ hai. Giáo viên Hải Phòng mong muốn Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, có tính định hướng về kì thi tốt nghiệp THPT 2025. Từ đó, các nhà trường sẽ có những kế hoạch và giải pháp phù hợp để tổ chức dạy và học đáp ứng yêu cầu của kì thi trong thời gian tới.
Tăng lương để “níu chân” giáo viên
Thực hiện chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục huyện Tiên Lãng đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, “cái khó bó cái khôn”, toàn huyện hiện thiếu nhiều giáo viên. Trong đó cấp tiểu học thiếu nhiều nhất là hơn 100 giáo viên văn hoá. Khó khăn nhất là hàng năm huyện có chính sách tuyển nhân lực cho ngành nhưng không có nguồn tuyển hoặc nếu có thì rất ít, không đủ chỉ tiêu.
Cần quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên để thầy cô yên tâm cống hiến với nghề.
Theo ông Cao Văn Rôi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng, hiện nay tình trạng giáo viên bỏ nghề có xu hướng tăng. Cuối năm 2022, ngành Giáo dục huyện có khoảng 30 thầy cô xin nghỉ việc, trong đó phần nhiều là giáo viên mầm non. Nguyên nhân chủ yếu do đời sống nhà giáo có nhiều khó khăn, mặt bằng thu nhập chung từ nghề thấp, đặc biệt giáo viên mầm non công việc đặc thù vất vả.
Ông Rôi cho rằng, giáo viên mong muốn được quan tâm về cơ chế, chính sách, chế độ tiền lương và phụ cấp tăng lên để thầy cô sống được bằng chính nghề của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuỷ Nguyên, toàn huyện hiện vẫn thiếu đội ngũ tuy vậy các nhà trường chủ động hợp đồng theo quy định.
Đội ngũ giáo viên văn hoá cấp tiểu học cơ bản đủ, chỉ thiếu giáo viên Tin học và tiếng Anh. Cấp THCS thiếu giáo viên rải ở các bộ môn, huyện giao nhà trường rà soát chủ động hợp đồng, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Đặc biệt, giáo viên mầm non theo định biên thiếu 80 người, trong khi nguồn tuyển ít. Chế độ giáo viên mầm non còn thấp, đời sống phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách. Tuy vậy, hiệu trưởng các nhà trường cần có cách quản lý linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả để giáo viên được phát huy khả năng của mình.
Nguồn: Báo Giáo dục &Thời đại