Giáo dục kỹ năng công dân số cấp Tiểu học cần linh hoạt, sáng tạo
Ngày 28/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị tập huấn triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cấp Tiểu học.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.
Xu hướng tất yếu của thế giới
Báo cáo tại hội nghị, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh Tiểu học đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Đây là xu hướng giáo dục tập trung vào việc giáo dục cho học sinh tư duy giải quyết vấn đề và sinh sống, hoạt động một cách an toàn, chính trực và hiệu quả trong thế giới số.
Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh Tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Việc giúp các em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ góp phần tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến. Đồng thời, giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thông tin tại hội nghị.
TS Thái Văn Tài chia sẻ, ở nước ta, hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số những năm trước đây chủ yếu được thực hiện trong nhà trường ở phân môn Tin học. Theo Chương trình GDPT 2018 hiện nay, môn Tin học trở thành bắt buộc ở cấp Tiểu học từ lớp 3 với thời lượng 1 tiết/tuần trong 35 tuần học.
Các nội dung kỹ năng công dân số cũng được thể hiện phong phú, đa dạng hơn với các mạch kiến thức chủ đạo là Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin và truyền thông, Học vấn số hóa phổ thông.
Những năm gần đây, thấy được sự cần thiết phải giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, các hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số bổ trợ ngoài chương trình môn Tin học đã được các nhà trường triển khai ngày càng sôi nổi dưới nhiều hình thức đa dạng.
Năm học 2023 – 2024, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm giai đoạn một trên 10 tỉnh/thành phố. Theo lộ trình dự kiến, năm học 2024 – 2025, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai thí điểm với 10 tỉnh tiếp theo. Năm học 2025-2026 sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc.
Cần sự chung tay của địa phương
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý các Sở GD&ĐT tham mưu UBND cùng cấp có phương án bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.
Tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, huy động nguồn lực của cộng đồng triển khai thực hiện hiệu quả giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý. Kết thúc sau một năm triển khai, các địa phương cần có báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho triển khai nhân rộng.
|