Đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại: Bù đắp những vất vả, hy sinh
Động viên những vất vả, hy sinh của giáo viên mầm non, nhất là giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải ưu tiên nhiều hơn để chia sẻ với họ.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ LĐTB&XH đang xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại; chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn
Xem xét đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại
Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ LĐTB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với người lao động cả nước.
Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác, như phụ cấp trách nhiệm, tùy theo từng đối tượng.
Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, theo Bộ trưởng, trong dịch COVID-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền là 158 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải ưu tiên nhiều hơn để động viên họ. Vì vậy Bộ GD&ĐT đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Hai bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ, ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp Bộ LĐTB&XH đang xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để động viên đối tượng này.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, cả nước hiện có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia BHXH, rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi của họ.
Phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn
Nếu thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi, như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, nhiều chế độ, chính sách…
Cụ thể, nghỉ phép năm: Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ phép hằng năm 14 ngày hưởng nguyên lương.
Chế độ ốm đau: Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày: 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 đến dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày).
Chế độ hưu trí: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.
Cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên mầm non công lập
Năm học 2022-2023, toàn quốc cấp học giáo dục mầm non có 15.334 trường, trong đó có 3.224 trường mầm non ngoài công lập (tỉ lệ hơn 21%).
Để đáp ứng yêu cầu giáo viên mầm non, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ, rà soát, ban hành các giải pháp bổ sung đội ngũ đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 537.953 người. Tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86 (tăng 0,02).
Tuy nhiên, theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực đối với giáo viên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tiền lương, tiền công, chính sách của giáo viên mầm non rất thấp.
Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chính dẫn đến việc số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu nhiều so với năm học trước, là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).
Bên cạnh đó, áp lực công việc lớn, thu nhập thấp, chế độ chính sách chưa thỏa đáng… là những nguyên nhân chính khiến giáo viên mầm non bỏ nghề, đồng thời không thu hút được người mới vào ngành.
Ngoài ra, mặc dù các trường đang thiếu giáo viên, nhưng địa phương lại không được giao chỉ tiêu tuyển dụng. Điều này dẫn đến nghịch lý thiếu trầm trọng giáo viên nhưng sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp.
Trước thềm năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023-2024.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Được biết, với Bộ GD&ĐT, thời gian tới sẽ đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện, coi là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô.
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ