Dự thảo Luật Nhà giáo tạo đột phá về hội nhập quốc tế
Bên cạnh yếu tố mang tính chiến lược, dự thảo Luật Nhà giáo đề cập đến hội nhập quốc tế.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: NTCC |
Đây được coi như một trong những điểm mới của dự thảo luật này và là vấn đề cốt lõi mà Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở khi cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Tháo “điểm nghẽn” trong lĩnh vực giáo dục
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn ĐBQH Lào Cai) viện dẫn: Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài (Điều 61). Trong đó, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo.
Hiện có 4 luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014… Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, qua rà soát, tổng kết, đối chiếu với nhu cầu thực tế của đội ngũ nhà giáo và các chính sách, pháp luật hiện có về nhà giáo vẫn có những tồn tại, hạn chế lớn, tác động cơ bản đến tương lai nền giáo dục Việt Nam.
Cụ thể, hệ thống pháp luật hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp nhà giáo. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa đầy đủ và tường minh về nhà giáo. Trong khi đó, so với nhiều ngành khác, hoạt động giáo dục, giáo dưỡng của nhà giáo trong ngành Giáo dục có những đặc điểm đặc trưng, riêng biệt.
Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (sáng 10/11), GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội nhìn nhận, dự thảo đã đề cập đến nhiều điểm mới về chính sách đối với nhà giáo như: Vị trí pháp lý của nhà giáo công lập và ngoài công lập, chuẩn hóa chức danh nhà giáo, chính sách tuyển dụng, điều động, biệt phái của nhà giáo; chính sách về bảo vệ, thu hút nhà giáo.
Các điểm mới trên phù hợp với tình hình thực tiễn và có thể tháo gỡ nhiều khó khăn, điểm nghẽn trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Lan đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát để đảm bảo sự đồng bộ, tính khả thi của dự án luật khi được thông qua.
Theo đó, cần làm rõ hơn việc đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với cán bộ giáo viên là nhà quản lý. Ban lãnh đạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học gồm: Hiệu trưởng, giám đốc cần được bồi dưỡng đào tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Qua đó, nhằm nâng cao kiến thức và thúc đẩy quốc tế hoá.
Tuy nhiên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, việc đi công tác nước ngoài của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập bị quy định về số lượng và thời gian một lần đi. Điều này hạn chế việc đào tạo, bồi dưỡng và thúc đẩy hợp tác quốc tế đối với giáo viên là nhà quản lý, cũng như cơ sở đào tạo.
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC
“Mở” chính sách hội nhập
Từ thực tiễn, GS.TS Nguyễn Thị Lan kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét “mở” thời gian đi công tác nước ngoài tùy thuộc vào nội dung, chương trình của chuyến đi (có kèm chương trình, thời gian làm việc tại nước ngoài). Vì đoàn đi công tác nước ngoài thường kết hợp làm việc với các trường, đối tác nước ngoài để trao đổi về hợp tác nghiên cứu, đào tạo, trao đổi giảng viên.
“Do đó, nếu quy định thời gian đi công tác mỗi nước 3 ngày chưa phù hợp”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nêu thực tế, đồng thời kiến nghị, quy định nên “mở” thêm số lần đi công tác nước ngoài với lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục, đào tạo để mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, quốc tế hóa các cơ sở giáo dục, đặc biệt trường đại học/học viện.
Liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo trong công tác hợp tác quốc tế, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội viện dẫn, ở các nước tiên tiến cho phép trường tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức hội nghị, hội thảo. Những nước này, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi học thuật là thông thường, thậm chí diễn ra hằng ngày trong các trường đại học.
“Nếu quy định như chúng ta thì những hội thảo nhỏ thường kỳ của các bộ môn ở nước ngoài cũng phải xin phép, vì họ thường xuyên mời chuyên gia quốc tế đến báo cáo/ chia sẻ/ trao đổi”, GS.TS Nguyễn Thị Lan băn khoăn.
Tại tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh băn khoăn, với các trường đại học, việc thu hút giảng viên người nước ngoài đến giảng dạy không dễ, bởi vướng về cơ chế, tài chính, hợp đồng hợp tác… Do đó, các văn bản dưới luật phải quy định cụ thể hơn theo hướng thuận lợi.
Chỉ khi bổ sung các quy định nhằm kiến tạo chính sách hợp tác quốc tế, thu hút nhà giáo người nước ngoài để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, thì mới thu hút được nhiều người có trình độ cao, hợp tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là những giảng viên có dự án nghiên cứu khoa học được cung cấp nguồn quỹ hỗ trợ tại quốc gia mà họ đã và đang làm việc.
Ngoài ra, GS.TS Huỳnh Văn Sơn đề xuất, cần bồi dưỡng cho người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, bởi họ chưa được công nhận chính danh là nhà giáo. Khi được cấp chứng chỉ hành nghề và công nhận nhà giáo thì họ cần được bồi dưỡng về văn hóa, đạo đức nghề giáo Việt Nam.
Phát biểu thảo luận tại tổ – Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (sáng 9/11), Tổng Bí thư Tô Lâm cho ý kiến, trong bối cảnh đất nước hội nhập, dự thảo Luật Nhà giáo cần thể hiện giáo dục hội nhập và người thầy hội nhập thế nào? Vừa rồi chúng ta tuyên bố phổ cập tiếng Anh trong giáo dục, như vậy người thầy phải có trình độ tiếng Anh thế nào mới phổ cập được.
“Có quy định thầy nước ngoài không, thầy nước ngoài có phải chấp hành theo Luật Nhà giáo của Việt Nam không? Chúng ta đã đề cập gì chưa? Muốn hội nhập được phải có con người, trước hết phải là người thầy. Nếu bây giờ không có thầy tiếng Anh làm sao có trò tiếng Anh”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề; đồng thời gợi mở, thầy dạy Toán, dạy Văn cũng phải biết tiếng Anh chứ không chỉ riêng thầy dạy ngoại ngữ. Chúng ta phải tiếp cận, hội nhập theo hướng đó. Các chính sách phải được thể hiện trong dự thảo Luật Nhà giáo, phải có những đòi hỏi, với yêu cầu cụ thể.
Liên quan đến hợp tác quốc tế đối với nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức nhấn mạnh, hoạt động này nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế nhà giáo Việt Nam và hội nhập quốc tế. Nguyên tắc chung là, đảm bảo quy định của pháp luật Việt Nam; phù hợp với điều ước quốc tế và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia, ký kết.
Minh Phong